Căn cứ theo quy định tại Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì truy thu bảo hiểm là việc cơ quan bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là BHXH) thu khoản tiền phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là BHTNLĐ, BNN) của trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN..
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN:
- Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN: doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.
- Người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước truy đóng BHXH cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ chưa đóng: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
- Điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động: sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền ký quyết định hoặc hợp đồng lao động (phụ lục hợp đồng lao động) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, tiền phụ cấp đóng BHXH, BHYT, BHTN mà người sử dụng lao động không đóng theo mức lương mới.
- Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh khoản tiền bảo hiểm bị truy thu (do không đóng / không đóng đủ) thì còn phải nộp thêm lãi suất truy thu đối với các trường hợp trên.