Hạn chế đầu tư là một trong những chính sách được thực hiện đối với doanh nghiệp nước ngoài nhằm đảm bảo nền kinh tế thị trường được ổn định cũng như hạn chế nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát một số lĩnh vực mà nhà nước bảo hộ tại Việt Nam. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp nước ngoài sẽ không bị hạn chế đầu tư?
1. Nhà đầu tư nước ngoài là ai?
Hiện nay, Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhằm thu hút vốn đầu tư, tạo nguồn FDI cũng như việc làm cho người dân. Vậy nhà đầu tư nước ngoài được hiểu thế nào?
Theo khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Như vậy, nhà đầu tư có yếu tố nước ngoài phải là cá nhân có quốc tịch nước ngoài và được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
2. Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế đầu tư
Mặc dù Việt Nam đã trở thành một nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn, song đó không vì lợi ích kinh tế mà chúng ta phải đánh đổi những ngành nghề, lĩnh vực đặc thù cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.
(1) Các ngành nghề liên quan đến luật pháp, tư cách pháp nhân được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư.
(2) Các ngành nghề cần phải đáp ứng được điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng theo các hình thức quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 như:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.
- Hình thức đầu tư.
- Phạm vi hoạt động đầu tư.
- Năng lực của nhà đầu tư và đối tác tham gia.
- Điều kiện khác theo quy định quy định tại mục (1).
(3) Các nhà đầu tư nước ngoài còn đáp ứng các điều kiện sau:
- Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.
- Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước.
- Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản.
- Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ.
- Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
3. Trường hợp nào doanh nghiệp nước ngoài được tiếp cận đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị hạn chế ngành nghề, lĩnh vực trong việc tiếp cận thị trường đầu tư nếu đáp ứng được khoản 2 Điều 16 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh thực hiện tại Việt Nam, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trường hợp lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, để nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tiếp cận thị trường thì doanh nghiệp đó phải có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài để lựa chọn hình thức tiếp cận đầu tư trong lĩnh vực mà bên Việt Nam được thực hiện nhưng doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế.