Khi nào doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường?

Chủ đề   RSS   
  • #616271 12/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Khi nào doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường?

    Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được xác định dựa trên các yếu tố gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

    (1) Khi nào doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường?

    Theo quy định tại Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

    Đối với nhóm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

    - Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

    - Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;

    Theo đó, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường trên không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.

    Như vậy, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được coi là thống lĩnh thị trường khi chiếm phần lớn thị phần trong thị trường liên quan hoặc có sức mạnh thị trường đáng kể theo Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018.

    (2) Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định thế nào?

    Theo quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 và các quy định hướng dẫn tại Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:

    - Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan:

    Được đánh giá trên cơ sở so sánh thị phần giữa các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan.

    - Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp:

    Được đánh giá căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, số lao động, quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh.

    - Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác:

    Được đánh giá dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 Nghị định 35/2020/NĐ-CP.

    - Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ:

    Được, đánh giá căn cứ vào ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh nhờ việc nắm giữ, kiểm soát mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

    - Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật:

    Được đánh giá căn cứ vào ưu thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với đối thủ cạnh tranh.

    - Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng:

    Được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

    - Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ:

    Được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

    - Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác:

    Được xác định dựa trên chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng, doanh nghiệp chuyển sang mua, bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác trên cùng thị trường liên quan.

    - Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh:

    Được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong điều kiện cụ thể của ngành, lĩnh vực đó.

    Từ những yếu tố trên, có thể thấy rằng sức mạnh thị trường không chỉ đơn thuần là thị phần mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, từ tài chính, công nghệ đến khả năng kiểm soát thị trường.

    Việc đánh giá toàn diện sức mạnh thị trường sẽ giúp cơ quan quản lý có cái nhìn chính xác hơn về tình hình cạnh tranh và đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh.

     
    97 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận