Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS), cha, mẹ của bị cáo là người phạm tội chưa thành niên có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do bị cáo khi thực hiện bao gồm 02 loại trách nhiệm:
(1) Trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại và;
(2) Trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu.
Trong đó:
- Trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 586 BLDS:
Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này (trong đó, Điều 599 là Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý)
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, tuổi bắt đầu có năng lực trách nhiệm hình sự đó là từ đủ 14 tuổi.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại của cha, mẹ bị cáo là người chưa thành niên đặt ra trong trường hợp thiệt hại do hành vi phạm tội của con từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi gây ra.
Và đối với trường hợp này, cha, mẹ bị cáo chịu trách nhiệm bồi thường sẽ tham gia tố tụng với tư cách bị đơn dân sự theo khoản 1 Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Trách nhiệm bồi thường của cha, mẹ bị cáo với tư cách bị đơn dân sự là trách nhiệm của chính mình, không phải là trách nhiệm nhân danh bị cáo.
– Trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu:
Theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 586 BLDS quy định:
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Theo đó, trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu của cha, mẹ bị cáo là người chưa thành niên chỉ đặt ra trong trường hợp thiệt hại do hành vi phạm tội của con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây ra khi mà con không đủ tài sản để bồi thường.
Ở đây, cha, mẹ bị cáo chịu trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu đối với thiệt hại của bị cáo là người chưa thành niên sẽ tham gia tố tụng với tư cách người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo khoản 1 Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Tư cách này xuất phát từ lý do, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về bị cáo, nhưng việc toà án quyết định bị cáo phải bồi thường cho ai, với mức và các khoản bồi thường như thế nào ảnh hưởng đến nghĩa vụ của cha, mẹ bị cáo trong trường hợp bị cáo không đủ tài sản để bồi thường.