Xếp loại cán bộ, công chức, viên chức là quy trình đánh giá chất lượng làm việc dựa trên tiêu chí cụ thể nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Vậy thì khi nào cán bộ, công chức, viên chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ?
Khi nào cán bộ, công chức, viên chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ?
(1) Cán bộ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ
Theo Điều 7 Nghị định 90/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP quy định cán bộ có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
- Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền.
- Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá
(2) Công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ
Theo Điều 11 Nghị định 90/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP quy định quy định tiêu chí xếp loại chất lượng công chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ như sau:
Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
- Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;
- Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;
- Có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
- Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;
- Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ;
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật;
- Có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá;
(3) Viên chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ
Theo Điều 15 Nghị định 90/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP quy định về tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ như sau:
Viên chức không giữ chức vụ quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
- Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;
- Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;
- Có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá;
Viên chức quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
- Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;
- Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;
- Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ;
- Đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật;
- Có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức có một trong các tiêu chí quy định trên thì sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được phân chia thế nào?
Theo Điều 16 Nghị định 90/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức như sau:
- Đối với cán bộ
Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ.
- Đối với công chức
+ Việc đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện;
+ Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cấp phó của người đứng đầu và công chức thuộc quyền quản lý do người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức thực hiện
- Đối với viên chức
Thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 43 Luật Viên chức 2010. Cụ thể:
+ Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức việc đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
+ Căn cứ vào điều kiện cụ thể, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc đánh giá hoặc phân công, phân cấp việc đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Người được giao thẩm quyền đánh giá viên chức phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về kết quả đánh giá.
+ Người có thẩm quyền bổ nhiệm chịu trách nhiệm đánh giá viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sẽ được phân chia theo quy định trên.