Trả lời:
Chào anh, về trường hợp của anh, tôi xin chia sẻ quan điểm như sau:
Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, đối với trường hợp “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Theo đó, nếu anh muốn trực tiếp nuôi con nhỏ 02 tuổi sau khi ly hôn thì:
Thứ nhất, anh có thể thỏa thuận với vợ anh về người trực tiếp nuôi con theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi.”
Thứ hai, trong trường hợp không thỏa thuận được, anh cần có các chứng cứ chứng minh người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Các nội dung cần chứng minh như sau:
1. Chứng minh bên kia là người có lỗi dẫn đến ly hôn
Anh thu thập chứng cứ chứng minh vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Ví dụ như: hành vi bạo lực, đánh bạc, phá tán tài sản, không chung thủy…Chứng minh được lỗi của bên kia dẫn đến ly hôn sẽ là lợi thế khi giành quyền nuôi con. Bởi vì, lỗi trong việc dẫn đến ly hôn góp phần phản ánh đạo đức, nhân phẩm của một người. Mà người nuôi con sẽ là người có nhiều cơ hội để chăm sóc, dạy dỗ, ảnh hưởng đến sự phát triển của con nhất nên nhân phẩm đạo đức của người đó là yếu tố quan trọng để quyết định người nuôi con.
2. Chứng minh bên kia không thực hiện tốt nghĩa vụ với con trong thời gian chung sống
Để được trực tiếp nuôi dưỡng con phải là người có trách nhiệm với con, yêu thương con… nên nếu bên nào có hành vi bạo lực, không quan tâm chăm sóc cho con trong thời gian chung sống trước ly hôn sẽ là căn cứ để quyết định người được nuôi con.
3. Chứng minh người vợ không có đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con tốt nhất
Các điều kiện về vật chất như chỗ ở ổn định, môi trường sống, thu nhập,…
Các điều kiện về tinh thần như thời gian chăm sóc con, sức khỏe tinh thần, trình đô học vấn,…
4. Chứng minh anh có thu nhập đảm bảo việc nuôi con
Để giành được quyền nuôi con anh nên chứng minh được mình có đủ điều kiện kinh tế để cung cấp cho con những nhu cầu vật chất tối thiểu cho sự phát triển như: cung cấp cho con chỗ ở ổn định, tạo điều kiện cho con được học tập, ăn uống đầy đủ đảm bảo dinh dưỡng,...
Có thể chứng minh thu nhập qua bảng lương, sổ đóng bảo hiểm xã hội, doanh thu của cơ sở kinh doanh…Thu nhập ổn định sẽ là căn cứ để Tòa án xem xét người được giao nuôi con.
5. Chứng minh có thời gian chăm lo cho đời sống tinh thần của con
Việc có nhiều thời gian dành cho con sẽ là lợi thế để giành quyền nuôi con. Bên cạnh việc có đủ điều kiện tài chính đảm bảo đời sống vật chất của con thì người nuôi con cần có thời gian để chăm lo cho đời sống tinh thần của con.
Thời gian dạy dỗ, giáo dục, quan tâm con… được chứng minh thông qua thời gian làm việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, công việc làm ở nơi cố định hay thường xuyên đi xa nhà hay không…
6. Chứng minh ngoài những điều kiện tài chính, thời gian còn có điều kiện khác tốt hơn dành cho con
Đó có thể là cung cấp môi trường sống tốt cho, khi không có thời dành cho con thì sẽ có những người thân đáng tin cậy khác trong gia đình như ông bà, cô, dì... chăm sóc, yêu thương con.