Quy định về khám sức khỏe định kỳ đối với nhân viên bếp ăn nhà hàng, bếp ăn tập thể như thế nào? Có bắt buộc khám không? Nếu không khám có bị xử lý hay không?
Có bắt buộc khám sức khỏe đối với nhân viên bếp ăn?
Theo Quyết định 21/2007/QĐ-BYT Quy định về điều kiện sức khoẻ đối với những người tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm bao gói sẵn và kinh doanh thực phẩm ăn ngay thì định kỳ hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám, xét nghiệm phân tìm người lành mang trùng cho người lao động tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm ít nhất 6 tháng một lần đối với các cơ sở chế biến sữa tươi và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, suất ăn sẵn; ít nhất mỗi năm một lần đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm gồm: cơ sở chế biến thực phẩm bao gói sẵn có nguy cơ cao, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở phục vụ ăn uống. Tuy nhiên hiện quy định nêu trên đã hết hiệu lực và hiện việc khám sức khỏe đối với nhân viên bếp ăn sẽ áp dụng quy định chung tại Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Theo đó, đối với người làm việc tại nhà hàng, bếp ăn thì chỉ thực hiện khám sức khỏe ít nhất một lần trong 01 năm trừ trường hợp người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì sẽ tiến hành khám 02 lần trong năm (tối thiếu 06 tháng một lần).
Nội dung khám sức khỏe thực hiện theo Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và Thông tư 09/2023/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023). Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
Lưu ý theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP thì người lao động trực tiếp sản xuất thực phẩm thì phải được khám các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp để đảm bảo an toàn trong quá trình chế biến, sản xuất thực phẩm.
Người sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe định kỳ xử lý thế nào?
Hiện tại việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động là bắt buộc. Nếu như người sử dụng lao động cố tình không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động sẽ bị xử phạt theo Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Như vậy, tùy theo số lượng người lao động mà từ đó xác định mức phạt cụ thể. Tuy nhiên, mức phạt tối đa cũng không quá 75 triệu. Lưu ý đây là mức phạt đối với cá nhân, còn tổ chức thì mức phạt sẽ gấp 02 lần so với cá nhân.
Ở đây sẽ phạt khi người sử dụng lao động không tiến hành tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Còn trong trường hợp người sử dụng lao động có tổ chức nhưng người lao động từ chối không muốn tham gia khám sức khỏe thì không có cơ sở để tiến hành xử phạt.