Khai tử Chứng minh nhân dân (CMND) từ 31/12/2024

Chủ đề   RSS   
  • #606358 25/10/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81095
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1693 lần


    Khai tử Chứng minh nhân dân (CMND) từ 31/12/2024

    Báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí tên gọi là Luật Căn cước và tên Thẻ Căn cước. UBTVQH cũng nhận định, quy định Chứng minh nhân dân (CMND) hết giá trị sử dụng từ ngày 31/12/2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân.

    (1) Tán thành đổi tên Thẻ Căn cước

    Theo báo cáo thẩm tra được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới trình bày tại phiên họp toàn thể Quốc hội sáng 25/10, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ công nghiệp 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

    “Việc sử dụng tên gọi Thẻ Căn cước như dự thảo luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân. Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào Thẻ Căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân”, ông Lê Tấn Tới nhận định. Việc đổi tên Thẻ Căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân. Theo đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ tên Luật Căn cước và tên Thẻ Căn cước như Chính phủ trình. 

    Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, đa số ý kiến trong UBTVQH nhất trí việc cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ và nghiên cứu quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện để xác định và cấp giấy chứng nhận căn cước; quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, giá trị 2 pháp lý của giấy chứng nhận căn cước, cơ quan có thẩm quyền quản lý cũng là những vấn đề cần quy định cụ thể.

    Ý kiến khác đề nghị nghiên cứu quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến căn cước của người gốc Việt Nam, bảo đảm thuận tiện trong công tác quản lý nhà nước đối với đối tượng này và phù hợp quy định của dự thảo luật.

    Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chuyển điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành “Thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước” và chỉnh lý toàn diện điều này; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

    (2) Khai tử CMND từ ngày 31/12/2024

    Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuyển nội dung đoạn 2 khoản 3 Điều 22 sang Điều 33, theo đó chỉ quy định khi phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử; không yêu cầu phải so sánh, đối chiếu thông tin trong mọi trường hợp.

    Về cấp, quản lý căn cước điện tử, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý lại khoản 12 Điều 3 về “danh tính điện tử của công dân Việt Nam”, lược bỏ Điều 32 dự thảo Luật và chỉnh lý khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật để thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa “danh tính điện tử” và “căn cước điện tử”; chỉnh lý khái niệm về căn cước điện tử tại khoản 16 Điều 3; bổ sung 03 khoản tại Điều 31 quy định cụ thể hơn về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử và giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử; chỉnh lý tên Điều 33 thành “Giá trị sử dụng của căn cước điện tử”, bỏ khoản 2 Điều 33, chuyển nội dung này về Điều 34 và thiết kế thành khoản 5 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

    Về hiệu lực thi hành, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trên cơ sở báo cáo, đề nghị của Ban soạn thảo, UBTVQH thấy cơ bản đến ngày 01/7/2024, các quy định của Luật có thể triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan cũng như việc sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính trong thời gian tới; không có nội dung nào cần phải quy định có hiệu lực trước.

    Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát và đầu tư cơ bản, có hiệu quả, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để việc khai thác, sử dụng ứng dụng định danh quốc gia đạt hiệu quả.

    Về quy định chuyển tiếp, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 Bộ, ngành và 63 địa phương; việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện. Vì vậy, quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân từ ngày 31/12/2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân.

    Nguồn: Trung tâm báo chí TP. Hồ Chí Minh

     
    391 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (20/11/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận