Thứ nhất, Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (ASEAN Free Trade Area – AFTA)
Thứ hai, Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)
Thứ ba, Hiệp đinh Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)
Thứ tư, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)
(Phần tiếp theo)
Thứ năm, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA)
Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA) được ký kết ngày 27/02/2009 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Đây là thỏa thuận thương mại tương đối toàn diện, bao gồm rất nhiều cam kết về hàng hóa, dịch vụ (gồm cả dịch vụ tài chính và viễn thông), đầu tư, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và hợp tác kinh tế…
Hiệp định AANZFTA sẽ đem lại các lợi ích chính cho ASEAN và Úc, New Zealand như mở cửa thị trường sâu rộng hơn cho các nhà xuất khẩu/ sản xuất trong khu vực, thúc đẩy cắt giảm chi phí sản xuất, tạo cơ hội mở rộng mạng lưới công việc và tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khu vực. Hiệp định sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh vững chắc, minh bạch và có thể dự đoán được, thông qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế của các bên, các doanh nghiệp. Hiệp định này thực hiện mục tiêu hội nhập 12 thị trường nhỏ thành một thị trường lớn với khoảng 620 triệu dân và tổng GDP lên tới 2,75 nghìn tỷ đô la.
Với thực trạng quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Úc cũng nhưng Việt Nam- New Zealand, Hiệp định AANZFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của các bên. Theo tính toán, đối với Úc, các doanh nghiệp của Việt nam sẽ thu được nhiều lợi ích nhất trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may, bột giấy, nông sản. Đối với New Zealand, lợi ích xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ là hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị và phụ tùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được tiếp cận máy móc, nguyên vật liệu và hàng hóa chất lượng cao, công nghệ tiên tiến với giá cả hợp lý hơn.
Thứ sáu, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)
Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) được ký kết ngày 08/10/2003. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục ký kết các Hiệp định về Hàng hóa (có hiệu lực 01/01/2010), Hiệp định về Dịch vụ (có hiệu lực 01/7/2015) và Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực 01/7/2015) nhằm hình thành Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ. Theo đó, Ấn Độ cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào 2016 (71% số dòng thuế vào 2013, và thêm 9% số dòng thuế vào 2016), 10% số dòng thuế hoàn thành cắt giảm một phần thuế suất vào 2019, danh mục loại trừ chiếm khoảng 10% số dòng thuế. Mặt hàng Ấn Độ cam kết xóa bỏ thuế quan gồm động vật sống, thịt, cá, sữa, rau quả, dầu mỡ, bánh kẹo, nước hoa quả, hóa chất, mỹ phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm dệt may, kim loại, sắt thép, máy móc, thiết bị điện, đồng hồ,…
Việt Nam cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm cuối lộ trình là năm 2021 (71% số dòng thuế vào 2018, và 9% số dòng thuế vào 2021), 10% số dòng thuế còn lại chỉ cắt giảm vào cuối lộ trình (năm 2024).Theo lộ trình cam kết, thuế suất AIFTA được cắt giảm dần đều qua các năm. Việt Nam sẽ kết thúc thực hiện lộ trình cam kết xóa bỏ/cắt giảm thuế vào 2024 với tỉ lệ xóa bỏ 70% số dòng thuế, tập trung vào nhóm chè, cà phê, cao su, rau củ quả, giày dép, hàng gia dụng, thuỷ sản, hoá chất, kim loại, sắt thép, khoáng sản, máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng. Các mặt hàng Việt Nam không cam kết (30% số dòng thuế) gồm: trứng, đường, muối, xăng dầu, phân bón, nhựa, cao su, kim loại quý, sắt thép, máy móc, thiết bị điện, ô tô, xe máy, thiết bị phụ tùng, và các mặt hàng an ninh quốc phòng (pháo hoa, súng, thuốc phiện,...).
Nhìn chung, AIFTA sau nhiều năm triển khai đã có tác động tích cực đến giao dịch thương mại giữa các bên nói chung, Việt Nam- Ấn Độ nói riêng.
Thứ bảy, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA)
Ngày 12/11/2017, ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư song phương (AHKIA). AHKFTA chính thức có hiệu lực với Hồng Kông và 5 nước thành viên ASEAN (bao gồm Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) kể từ ngày 11/6/2019, tương tự với AHKIA từ 17/6/2019. Hai Hiệp định này có hiệu lực đầy đủ với toàn bộ các nước thành viên từ ngày 12/2/2021.
Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Hồng Kông tiếp tục tạo điểm sáng cho mở rộng tự do thương mại toàn cầu, đồng thời tác động tích cực lên nền kinh tế Đông Nam Á, giúp giảm thuế hàng hóa, đẩy mạnh dòng chảy dịch vụ và đầu tư giữa các thị trường trong khu vực và Hồng Kông.
Các quốc gia sẽ dần cắt giảm thuế quan trong những năm sắp tới. Thỏa thuận Đầu tư trong khuôn khổ hiệp định sẽ đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ được đối xử công bằng với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước ở các thị trường đồng thời giảm thiểu những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực dịch vụ.
Việt Nam sẽ loại bỏ thuế xuất nhập khẩu đối với 75% hàng hóa được liệt kê trong biểu thuế quan trong vòng 10 năm và giảm thuế quan với thêm khoảng 10% hàng hóa vòng 14 năm. Tuy nhiên, những hiệp định này không mang lại nhiều cơ hội về thuế quan hay điều kiện đầu tư, nhưng đã tạo thêm thuận lợi giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Hồng Kông.
Thứ tám, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)
Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do FTA bao gồm Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Hiệp định này được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020 và nhằm hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA).
Việc ký kết RCEP, nhóm các nền kinh tế tham gia Hiệp định thể hiện cam kết tiếp tục hội nhập kinh tế. Theo đó, ngoài các cam kết của một FTA truyền thống, RCEP còn có thêm các cam kết về thương mại điện tử, viễn thông, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), mua sắm công... Điều đặc biệt nữa là RCEP giúp lấp đầy khoảng trống trong hệ thống thương mại khu vực, tạo ra một thỏa thuận thương mại chưa từng có giữa ba quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Đối với Việt Nam,
RCEP sẽ mở ra cơ hội lớn đối với Việt Nam trong xuất khẩu các dịch vụ phân phối, khách sạn và nhà hàng ăn uống sang các nước RCEP, đặc biệt là sang ASEAN và Nhật Bản. Đây là những ngành xuất khẩu của Việt Nam sang các nước RCEP. Ngoài ra, đây cũng là các ngành mà nước RCEP có tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam là cao nhất. Việt Nam cũng có cơ hội lớn trong xuất khẩu dịch vụ thông tin liên lạc sang các nước RCEP, đặc biệt là sang ASEAN và Trung Quốc.
Người tiêu dùng sẽ có lợi hơn với nhiều lựa chọn hơn, với giá cả rẻ hơn và dịch vụ được cung cấp hiệu quả hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ trong nước sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý hiện đại và thực tiễn kinh doanh tốt từ các nhà phân phối RCEP. Các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có động cơ để tái cầu trúc nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như sức cạnh tranh của mình. Số lượng công ăn việc làm cũng có thể tăng lên sẽ là cơ hội cho Việt Nam khi các nhà cung cấp dịch vụ RCEP quyết định tăng cường hoạt động của mình ở Việt Nam.
(Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập; và các nguồn sưu tập có liên quan)