Khách sử dụng thuốc lắc, chủ khách sạn, quán karaoke, quán bar có bị xử lý không?

Chủ đề   RSS   
  • #608180 16/01/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2143)
    Số điểm: 74986
    Cảm ơn: 63
    Được cảm ơn 1599 lần


    Khách sử dụng thuốc lắc, chủ khách sạn, quán karaoke, quán bar có bị xử lý không?

    Thuốc lắc liệu có phải là ma túy hay không? Đối với những khách sử dụng thuốc lắc ở quán bar, karaoke, khách sạn thì những chủ cơ sở kinh doanh này có phải chịu trách nhiệm gì không? Nếu không biết thì có phải không có tội?

    Thuốc lắc là gì? Thuốc lắc có phải ma túy không?

    Thuốc lắc là một dạng ma túy tổng hợp, gây nghiện, bất hợp pháp. Thuốc lắc thường được tiêu thụ ở dạng thuốc viên, viên nén hoặc dạng viên nang.

    Thuốc này là một dạng duy nhất trong số các loại thuốc gây nghiện bất hợp pháp, có cả tác dụng kích thích và gây ảo giác.

    Đặc tính kích thích của thuốc lắc giúp tăng cường năng lượng và sự tỉnh táo trong khi các hiệu ứng gây ảo giác sẽ kích thích cảm giác làm cho các hình ảnh thực tế bị bóp méo.

    Mặc dù thuốc có thể được gọi với nhiều tên khác nhau, nhưng đều có chung hóa chất 3,4-methylenedioxymethamphetamine (viết tắc là MDMA) gây ra tác dụng của thuốc.

    Như vậy, thuốc lắc là một dạng ma túy tổng hợp.

    Chủ khách sạn, quán karaoke có khách sử dụng thuốc lắc thì bị xử lý thế nào?

    Theo điểm a khoản 4 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý;

    Như vậy, chủ quán karaoke, chủ nhà nghỉ sẽ bị xử phạt hành chính ngay cả khi không biết về việc có hay không có hành vi sử dụng thuốc lắc tại cơ sở do mình quản lý. 

    Do đó, dù có thực hiện đúng các quy định cho thuê phòng hát karaoke, phòng nghỉ hay không nhưng việc để khách lợi dụng cơ sở mình quản lý để sử dụng thuốc lắc thì chủ quán karaoke sẽ bị xử phạt hành chính.

    Trường hợp thứ hai, chủ quán biết nhưng vẫn để khách dùng ma túy tại cơ sở của mình. Nếu chủ quán biết việc sử dụng thuốc lắc mà vẫn cho khách đến thuê phòng để sử dụng thuốc lắc, hoặc tổ chức cho người khác sử dụng thuốc lắc, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Mức phạt đối với Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

    Cụ thể, theo khoản 1 Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

    Trong trường hợp phạm tội nhiều lần, tổ chức sử dụng ma túy cho nhiều người sử dụng, người chưa thành niên, phụ nữ có thai…thì mức phạt có thể lên đến 15 năm tù.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng, cấm đi khỏi nơi cư trú từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Mức phạt đối với Tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy

    Song, tại Điều 256 nếu chủ khách sạn, quán karaoke cho thuê, mượn hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

    Mức cao nhất có thể ngồi tù đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Nếu phát hiện chủ quán, chủ nhà nghỉ có hành vi tàng trữ chất ma túy hoặc bán, cung cấp ma túy cho khách sử dụng thì chủ cơ sở còn có thể bị truy cứu tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.

    Trách nhiệm chứng minh chủ quán karaoke, chủ nhà nghỉ có biết khách sử dụng ma túy hay không thuộc về cơ quan điều tra. Và tùy vào việc chủ cơ sở có biết hay không việc khách sử dụng ma túy trong cơ sở của mình mà xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

    Mức phạt đối với Tội tàng trữ trái phép chất ma túy

    Căn cứ khoản 3.1 mục II Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, quy định về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy thì:

    Tàng trữ trái phép chất ma túy là hành vi cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy.

    Theo đó, thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.

    Với hành vi sử dụng thuốc lắc; cơ quan chức năng sẽ áp dụng Điều 249 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017; quy định cụ thể về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

    Trong đó, tàng trữ được xác định cho các mục đích còn lại sau khi loại trừ việc mua bán, vận chuyển, sản xuất.

    Nói cách khác, việc tàng trữ để sử dụng hay đang sử dụng thuốc lắc đều bị khép vào tội này.

    Liều lượng thuốc sử dụng trên thực tế, tính chất và hậu quả của hành vi phạm tội là căn cứ để xác định khung hình phạt.

    Căn cứ tại Điều 249 BLHS về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, quy định:

    Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    - Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

    - Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

    - Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

    - Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

    - Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

    - Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;

    - Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;

    - Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản 1 Điều 249 BLHS 2015.

    Theo Điều 249 BLHS 2015, mức xử phạt cao nhất đối với một số trường hợp Tội này được pháp luật quy định có thể xác định là 20 năm tù hoặc tù chung thân.

    Theo Khoản 5 Điều này, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

     
    263 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (07/03/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận