Một hành động tưởng chừng đơn giản như mở cửa xe lại gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu thực hiện không đúng quy định pháp luật.
(1) Khách mở cửa taxi gây tai nạn chết người: Ai chịu trách nhiệm?
Gần đây có một vụ tai nạn giao thông làm xôn xao dư luận, đó là việc một khách hàng đã bất cẩn khi mở cửa taxi làm va trúng người chạy xe máy cùng chiều, hậu quả là nạn nhân đã ngã xuống đường, xe khách đang chạy cùng chiều không kịp xử lý nên đã tông nạn nhân tử vong tại chỗ.
Câu hỏi đặt ra ở đây là ai phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn này: hành khách, tài xế taxi hay tài xế xe khách?
Về vấn đề này cần phải phân tích trên nhiều khía cạnh.
Trước tiên là về hành khách và tài xế taxi, theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định:
“3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
…
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
…”
Chiếu theo quy định trên, tài xế có trách nhiệm đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn khi dừng, đỗ xe, trong đó tuyệt đối không được để cửa xe mở khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn.
Trên thực tế, cánh tài xế taxi dựa trên kinh nghiệm của mình, hầu hết đều sẽ khóa trái cửa bên trái, chỉ để mở được cửa bên phải để tránh các tình huống khách mở cửa xe bất cẩn gây tai nạn, hoặc sẽ nhắc nhở khách hàng quan sát trước khi mở cửa.
Như vậy, trường hợp tài xế không đảm bảo các biện pháp an toàn hoặc chưa nhắc nhở khách hàng dẫn đến việc khách ngồi sau mở cửa xe bên trái khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn thì tài xế cũng phải chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra.
Ngược lại, nếu tài xế đã nhắc nhở và thực hiện các biện pháp an toàn, thực hiện đúng các quy định của pháp luật mà khách vẫn cố ý mở cửa xe gây ra tai nạn thì đây được xem là sự kiện bất ngờ, nằm ngoài tầm kiểm soát của tài xế.
Theo quy định tại Điều 20 Bộ Luật Hình sự 2015, người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nếu rơi vào trường hợp này thì tài xế taxi sẽ được miễn trách nhiệm hình sự, khách hàng mở cửa xe gây tai nạn chết người có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015
Tiếp theo, trách nhiệm của tài xế xe khách cũng là một vấn đề mà mọi người thắc mắc.
Theo đó, tương tự như trên, phải xem xét tài xế xe khách đã tuân thủ các quy định giao thông một cách nghiêm ngặt như: chạy đúng tốc độ, giữ đúng khoảng cách an toàn, không sử dụng rượu, bia khi lái xe, chạy đúng làn đường, không vượt tuyến, vượt làn ẩu, xử lý đúng khi gặp sự cố,...v.v hay chưa.
Nếu tài xế xe khách đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giao thông đường bộ, còn va chạm lại xảy ra khi nạn nhân đột ngột ngã xuống đường do bị va phải cửa xe taxi, trong một khoảnh khắc rất ngắn chỉ 1-2 giây, khiến tài xế xe khách không thể kiểm soát tay lái tông chết người thì trường hợp này cũng được đánh giá là sự kiện bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát và tài xế xe khách cũng không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.
Tuy nhiên, ở chiều hướng tài xế xe khách chưa tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường bộ như chạy vượt quá tốc độ, lấn làn, có sử dụng rượu bia,...v.v gây tai nạn dẫn đến hậu quả chết người thì tài xế xe khách cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015.
(2) Khung hình phạt của Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), khung hình phạt của Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Không có giấy phép lái xe theo quy định;
+ Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
+ Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
+ Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Làm chết 03 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, người vi phạm tội này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù lên đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.