Kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng có hiệu lực trong bao lâu? Tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng phải đáp ứng điều kiện gì? Hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng?
1. Kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng có hiệu lực trong bao lâu?
Căn cứ khoản 5 Điều 4 Thông tư 36/2016/TT-BCT quy định về kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng như sau:
- Kết quả thử nghiệm là cơ sở để dán nhãn năng lượng cho sản phẩm có cùng model cùng thông số kỹ thuật, cùng xuất xứ và cùng cơ sở sản xuất.
- Kết quả thử nghiệm có hiệu lực vô thời hạn, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện có sai phạm trong kết quả thử nghiệm hoặc có sai phạm, vi phạm của tổ chức thử nghiệm.
Như vậy, kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng có hiệu lực vô thời hạn, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện có sai phạm trong kết quả thử nghiệm hoặc có sai phạm, vi phạm của tổ chức thử nghiệm.
2. Tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng phải đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 4 Thông tư 36/2016/TT-BCT. Theo đó, tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng được quy định như sau:
- Tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng bao gồm: tổ chức thử nghiệm trong nước (tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc phòng thử nghiệm của nhà sản xuất); tổ chức thử nghiệm nước ngoài (tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc phòng thử nghiệm của nhà sản xuất).
- Tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng phải đáp ứng điều kiện sau:
+ Tổ chức thử nghiệm trong nước là tổ chức thử nghiệm đáp ứng quy định tại Chương II Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về Điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
+ Tổ chức thử nghiệm nước ngoài là tổ chức thử nghiệm được công nhận theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC).
- Căn cứ để thử nghiệm, đánh giá hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị là các TCVN hoặc các quy định của Bộ Công Thương tương ứng.
- Thử nghiệm mẫu điển hình: Doanh nghiệp tự lấy mẫu phương tiện, thiết bị, số lượng và phương pháp lấy mẫu thử theo tiêu chuẩn tương ứng hoặc theo quy định của Bộ Công Thương và gửi tới tổ chức thử nghiệm để được thử nghiệm và cấp phiếu kết quả thử nghiệm.
Như vậy, tổ chức thử nghiệm trong nước và tổ chức thử nghiệm nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
3. Hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 36/2016/TT-BCT. Theo đó, hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng bao gồm:
- Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, trong đó nêu rõ doanh nghiệp đăng ký dán nhãn so sánh hay nhãn xác nhận theo mẫu tại Phụ lục 1 Ban hành kèm theo Thông tư 36/2016/TT-BCT.
- Kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm cấp cho model sản phẩm.
- Tài liệu chứng minh phòng thử nghiệm nước ngoài đã đáp ứng đủ Điều kiện (Đối với trường hợp việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm nước ngoài).
- Mẫu nhãn năng lượng dự kiến.
Như vậy, doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn hình thức gửi hồ sơ nói trên qua mạng internet tại Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương hoặc gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công thương. Trường hợp các hồ sơ, tài liệu nói trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt và có công chứng.