(1) Trường hợp kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
Theo quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng.
Trong thời bình, thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng. Tuy nhiên thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ (khoản 3 Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:
- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.
Như vậy, thời gian phục vụ tại ngũ của binh sĩ có thể kéo dài nhưng không quá 06 tháng. Quy định này nhằm đảm bảo đáp ứng được các tình huống khẩn cấp và đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia trong mọi tình huống.
(2) Trợ cấp thêm do kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ
Trong trường hợp kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ có thể được hưởng trợ cấp đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 27/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư 95/2016/TT-BQP
Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì từ tháng thứ 25 trở đi, hằng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Cách tính hưởng như sau:
Phụ cấp được hưởng từ tháng thứ 25 trở đi = Phụ cấp quân hàm hiện hưởng + Phụ cấp kéo dài thời gian phục vụ
Trong đó, phụ cấp kéo dài thời gian phục vụ = Phụ cấp quân hàm hiện hưởng x 250%
Lưu ý: Chế độ phụ cấp thêm hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 không áp dụng đối với các trường hợp sau đây
- Hạ sĩ quan, binh sĩ đang chờ chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
- Chờ đi học, dự thi tuyển sinh.
- Đang học ở các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội và các trường hợp khác.
Như vậy, hạ sĩ quan, binh sĩ có quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ sẽ được hưởng thêm một khoản phụ cấp, tính từ tháng thứ 25 trở đi. Họ sẽ được nhận 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng, ngoài chế độ phụ cấp quân hàm theo quy định.
(3) Trợ cấp xuất ngũ một lần
Khi xuất ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ được hưởng hai khoản trợ cấp là trợ cấp việc làm và trợ cấp xuất ngũ một lần.
Theo Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định về trợ cấp xuất ngũ như sau:
Đối với trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ 24 tháng:
Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội một lần được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời Điểm xuất ngũ.
Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau:
- Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ
- Từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở;
- Từ trên 06 tháng trở lên đến 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
Mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP.
Đối với trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ 25 - 30 tháng:
- Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
- Trường hợp nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Như vậy, hạ sĩ quan binh sĩ sẽ được hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần tùy theo thời gian phục vụ tại ngũ mà mức hưởng trợ cấp sẽ khác nhau.
Tóm lại, hạ sĩ quan, binh sĩ có quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ sẽ được hưởng thêm một khoản phụ cấp, tính từ tháng thứ 25 trở đi. Hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ được nhận 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng, ngoài chế độ phụ cấp quân hàm theo quy định.
Ngoài ra, khi xuất ngũ tùy theo thời gian phục vụ tại ngũ mà hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ nhận được mức trợ cấp xuất ngũ một lần khác nhau.