Khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thì có những loại xe ưu tiên nào? Có tước GPLX của người không nhường đường cho xe ưu tiên không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Kể từ 2025, có những loại xe ưu tiên nào?
Căn cứ điểm 1 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực thi hành từ 01/1/2025) quy định xe ưu tiên như sau:
“Xe ưu tiên gồm xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.”
Từ quy định nêu trên, so với Luật Giao thông đường bộ 2008, có thể thấy tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã bổ sung quy định phân loại xe ưu tiên bao gồm:
- Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy;
- Xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;
- Đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường;
- Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu;
- Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ;
- Xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
- Đoàn xe tang.
(2) Có tước GPLX của người không nhường đường cho xe ưu tiên không?
Căn cứ điểm n khoản 3, điểm b khoản 6 và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Bên cạnh mức phạt tiền theo quy định như đã nêu trên, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Theo đó, hiện nay, trường hợp người điều khiển xe không thực hiện nhường đường cho đoàn xe ngoài việc bị phạt tiền thì còn bị tước Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng theo quy định như đã nêu trên.
(3) Xe ưu tiên đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ có phải chở người bị thương đi cấp cứu không?
Căn cứ khoản 4 Điều 80 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông đường bộ, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ như sau:
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm chở người bị thương đi cấp cứu. Xe ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao không bắt buộc thực hiện quy định.
Từ quy định nêu trên, có thể thấy, trường hợp xe ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao không bắt buộc thực hiện chở người bị thương đi cấp cứu khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ.