Hủy án sơ thẩm vì bị hại rút yêu cầu khởi tố tại tòa phúc thẩm

Chủ đề   RSS   
  • #541144 14/03/2020

    ngkhiem

    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/02/2020
    Tổng số bài viết (69)
    Số điểm: 1410
    Cảm ơn: 13
    Được cảm ơn 59 lần


    Hủy án sơ thẩm vì bị hại rút yêu cầu khởi tố tại tòa phúc thẩm

    Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015, đối với một số tội phạm khi bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố thì sẽ không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

    Bản án hình sự phúc thẩm 966/2019/HS-PT ngày 30/11/2019 về tội cố ý gây thương tích là một trường hợp điển hình, tóm tắt nội dung vụ án như sau:

    “Bị cáo: Nguyễn Tiến C; Bị hại: Bùi Ngọc T

    Bị hại có vay của anh H số tiền 6.000.000 đồng. Đến một ngày, bị hại mất khả năng thanh toán tiền gốc và lãi cho chủ nợ; chủ nợ sau đó đăng facebook với nội dung bị hại vay nợ nhưng không trả.

    Bị cáo đã bình luận vào bài đăng đó dẫn đến tranh cãi với bị hại trên mạng xã hội; sau đó, hai bên hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn. Tại địa điểm hẹn, hai bên tranh cãi dẫn đến xô xát, bị cáo đánh bị hại với tỷ lệ thương tật tại Bản kết luận giám định thương tích cuối cùng là 22%. Tại tòa sơ thẩm, bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường dân sự với số tiền 208.770.000 đồng

    Bản án hình sự sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích, tuyên phạt 20 tháng tù, buộc bị cáo bồi thường 55.471.000 đồng. Bị cáo có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.

    Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bên thống nhất hòa giải và bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án đối với bị cáo.”

    Căn cứ vào nội dung bản án, có thể thấy lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phiên tòa sơ thẩm; phù hợp với lời khai của người bị hại, những người làm chứng; các bản kết luận giám định cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên Toà án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự 2015 là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

    Khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

    “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.”

    Thêm nữa, căn cứ vào khoản 8 Điều 157 và khoản 2 Điều 359 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nhận thấy bị cáo bị truy tố và xét xử theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự (thuộc vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại).Tại phiên tòa phúc thẩm bị hại đã rút yêu cầu khởi tố vụ án nên Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

    Như vậy, Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người bị hại (người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự) rút yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa phúc thẩm nên Tòa án cấp sơ thẩm không có lỗi trong trường hợp này.

    *Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về những trường hợp không khởi tố vụ án hình sự như sau:

    Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

    Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

    1. Không có sự việc phạm tội;

    2. Hành vi không cấu thành tội phạm;

    3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

    4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

    5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

    6. Tội phạm đã được đại xá;

    7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

    8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

     
    3575 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận