Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp người dân đến các cây xăng, trạm xăng dầu nhưng vô ý thức hút thuốc hoặc sử dụng mồi lửa hay bấm điện thoại điều này có thể gây cháy, nổ mặc dù đã có quy định cấm. Vậy trường hợp này sẽ bị xử lý ra sao?
1. Có nghiêm cấm việc hút thuốc, sử dụng điện thoại tại cây xăng?
Tại khoản 1 Điều 12 QCVN 01:2020/BCT ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BCT quy định tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.
Theo quy định trên, tại cây xăng sẽ luôn có biển cấm hút thuốc lá, cấm lửa ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc. Người dân vào mua xăng mặc nhiên buộc phải hiểu xăng, dầu không thể tiếp xúc với mọi nguồn lửa hoặc các thiết bị có thể gây nổ.
2. Phạt hành chính trường hợp hút thuốc, bấm điện thoại tại cây xăng
Căn cứ Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt cá nhân vi phạm quy định về PCCC trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Trường hợp tổ chức vi phạm nội dung trên thì mức phạt gấp 02 lần.
3. Hút thuốc, bấm điện thoại tại cây xăng có truy cứu hình sự?
Trường hợp người dân sử dụng điện thoại, hút thuốc tại cây xăng mà dẫn tới cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và của thì theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) tội vi phạm quy định về PCCC sẽ bị xử lý như sau:
- Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, trường hợp mà người dân vi phạm hành vi sử dụng điện thoại hay hút thuốc tại cây xăng thì có thể bị phạt đến 15 triệu đồng, trường hợp có gây thiệt hại thì sẽ bị phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù.