Hướng dẫn tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn mới nhất

Chủ đề   RSS   
  • #613064 21/06/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần


    Hướng dẫn tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn mới nhất

    Những hành vi nào của cán bộ là đang lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn? Cách viết và nộp đơn tố cáo thế nào? Mẫu đơn tố cáo mới nhất 2024?

    Hành vi nào là lợi dụng chức vụ quyền hạn?

    Theo Điều 3 Quy định 114-QĐ/TW 2023 quy định cán bộ có những hành vi sau đây là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn:

    - Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

    - Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

    - Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

    - Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định 114-QĐ/TW 2023 đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

    - Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

    - Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

    - Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

    - Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

    Như vậy, trên đây là 8 hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ. Theo đó, khi phát hiện những hành vi này của cán bộ, người dân có quyền tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

    Mẫu đơn tố cáo mới nhất

    Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể mẫu đơn tố cáo. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 23 Luật Tố cáo 2018 quy định:

    Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ:

    - Ngày, tháng, năm tố cáo; 

    - Họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; 

    - Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; 

    - Người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

    Theo đó, người đọc có thể tham khảo Mẫu đơn tố cáo mới nhất tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/21/don-to-cao-can-bo.docx

    Hướng dẫn tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn

    Theo Mục 2 Chương III Luật Tố cáo 2018 quy định về hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo thì quy trình tố cáo của người dân như sau:

    Bước 1: Nộp đơn tố cáo

    Người dân có thể tố cáo qua 2 hình thức là bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

    - Trường hợp tố cáo bằng đơn thì chuẩn bị đơn theo hướng dẫn ở trên, người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

    - Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định. 

    Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

    Bước 2: Tiếp nhận tố cáo

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. 

    Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.

    Bước 3: Xử lý ban đầu thông tin tố cáo

    - Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; 

    Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

    Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.

    - Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. 

    Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

    - Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.

    Theo đó, trên đây là các bước mà người dân tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn cần làm, sau khi đơn tố cáo được thụ lý và có quyết định thụ lý tố cáo thì sẽ đến bước làm việc của các cơ quan có thẩm quyền.

     
    761 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (09/09/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận