Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Cụ thể như sau.
(1) Giấy chứng nhận không cùng chi trả là gì?
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Đây được hiểu là một loại giấy tờ do cơ quan BHXH cấp cho người đã có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở dựa trên đề nghị của người bệnh.
Theo đó, người tham gia BHYT sẽ làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm để làm cơ sở được hưởng quyền lợi không cùng chi trả kể từ lần khám, chữa bệnh đúng tuyến kế tiếp cho đến hết năm dương lịch.
Đơn giản hơn, có thể hiểu, khi có giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm thì người tham gia BHYT sẽ được miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT cho đến hết ngày 31/12 của năm đó.
(2) Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm
Căn cứ Phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định 1003/QĐ-BHXH năm 2024 thì hành phần hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả bao gồm những giấy tờ, tài liệu như sau:
- Bản chụp các giấy tờ sau đây (kèm bản chính để đối chiếu):
+ Thẻ BHYT và một trong các giấy tờ chứng minh về nhân thân có ảnh hợp lệ trong trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh (Giấy CMND, Hộ chiếu, Thẻ Đảng viên, Thẻ CAND, Thẻ quân nhân,Thẻ đoàn viên công đoàn, Thẻ học sinh, Thẻ sinh viên, Thẻ cựu chiến binh, Giấy phép lái xe hoặc một loại giấy tờ có ảnh hợp lệ khác)
Trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT thì cần bản sao Giấy khai sinh
+ Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần KCB đề nghị thanh toán
- Bản chính các hóa đơn, chứng từ có liên quan.
- Trường hợp chỉ đề nghị cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (không kèm theo việc thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT): người tham gia BHYT có nhu cầu sử dụng Hóa đơn, Biên lai bản chính vào mục đích khác, bộ phận một cửa của cơ quan BHXH chụp Hóa đơn, Biên lai và ký xác nhận trên bản chụp, trả bản chính cho người tham gia BHYT.
Trường hợp làm thất lạc Hóa đơn, Biên lai bản chính thì nộp bản chụp Hóa đơn, Biên lai hoặc bản chụp Hóa đơn, Biên lai có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người có thẻ BHYT khám bệnh, chữa bệnh hoặc Bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Lưu ý: Nếu nộp bản sao qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tuyến thì khi nhận kết quả phải xuất trình bản chính hoặc bản chụp có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh để cơ quan BHXH đối chiếu.
(3) Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, tài liệu như đã có nêu tại mục (2), để được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, người bệnh hoặc thân nhân thực hiện theo các bước như sau:
Bước 01: Lập và nộp hồ sơ trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT hoặc qua dịch vụ công ích.
Bước 02: Cơ quan BHXH tiếp nhận và thụ lý hồ sơ.
Bước 03: Nhận kết quả:
- Đối với kết quả là văn bản: Thông qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH.
- Đối với kết quả là tiền: Nhận tại Phòng/bộ phận Tài chính - Kế toán thuộc cơ quan BHXH
- Người bệnh xuất trình Giấy Tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; chứng minh nhân dân.
- Trường hợp nhận thay: Nếu là thân nhân hoặc người giám hộ thì cần xuất trình Giấy Tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; CMND/CCCD/Thẻ căn cước, giấy tờ chứng minh mối quan hệ là thân nhân/người giám hộ đương nhiên của người hưởng BHYT (bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn...)
+ Các trường hợp khác: xuất trình Giấy Tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; chứng minh nhân dân; Giấy uỷ quyền làm thủ tục hưởng, nhận thay chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo mẫu số 13-HSB Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/11/Mau%2013-HSB.docx Mẫu số 13-HSB
Thời hạn giải quyết:
- 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp người tham gia BHYT có quá trình tham gia BHYT chỉ trên địa bàn một tỉnh hoặc trên thẻ BHYT có ghi thời điểm tham gia BHYT liên tục đủ 05 năm.
- 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp người tham gia BHYT nộp đủ hồ sơ nhưng có thời gian tham gia BHYT ở ngoại tỉnh, trên thẻ BHYT không ghi thời điểm tham gia BHYT liên tục đủ 05 năm.
- 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp người tham gia BHYT nộp đủ hồ sơ nhưng chỉ khám chữa bệnh nội tỉnh, trên Biên lai, Hóa đơn không thể hiện rõ số tiền cùng chi trả của người bệnh hoặc người tham gia BHYT nộp bản chụp Hóa đơn, Biên lai, Bảng kê chi phí khám chữa bệnh theo Mẫu số 01/KBCB theo Quyết định 6556/QĐ-BYT năm 2018.
- 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp người tham gia BHYT nộp đủ hồ sơ có khám chữa bệnh ở ngoại tỉnh, trên Biên lai, Hóa đơn không thể hiện rõ số tiền cùng chi trả của người bệnh hoặc người tham gia BHYT nộp bản chụp Hóa đơn, Biên lai, Bảng kê chi phí khám chữa bệnh theo Mẫu số 01/KBCB theo Quyết định 6556/QĐ-BYT năm 2018.