Có vẻ như chủ đề “Trường hợp của em có được đổi tên không?” thu hút được nhiều sự chú ý của nhiều thành viên Dân Luật, do vậy, hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn các trường hợp được đổi tên, họ và thủ tục đựơc đổi tên, họ theo quy định mới.
Trường hợp nào được đổi tên?
Theo Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 thì cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (từ đủ 18 tuổi trở lên) được đổi tên trong các trường hợp sau:
- Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Lưu ý: Đối với người từ đủ 09 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
Trường hợp nào được đổi họ?
Theo Điều 27 của Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 thì cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (từ đủ 18 tuổi trở lên) được đổi họ trong các trường hợp sau:
- Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
- Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
- Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
- Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
- Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
- Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
- Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Lưu ý: Đối với người từ đủ 09 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
Thủ tục đổi họ, tên
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ gồm:
1. Tờ khai đăng ký thay đổi hộ tịch (mẫu tại file đính kèm)
2. Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi hộ tịch
Bước 2: Nộp hồ sơ và nhận kết quả
Sau khi đã chuẩn bị hồ sơ, bạn đến nộp tại UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi
Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ
Trường hợp cần xác minh thì thời hạn kéo dài không quá 03 ngày làm việc.
Lệ phí: Tùy từng địa bàn mà lệ phí thay đổi hộ tịch khác nhau.
Tại TPHCM: 10.000 đồng/trường hợp (Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND Thành phố Hồ Chí Minh)
Tại Hà Nội: 5.000 đồng/trường hợp (Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND Hà Nội)
Tại Đà Nẵng: 15.000 đồng/trường hợp (Nghị quyết 56/2016/NQ-HĐND Đà Nẵng)
Căn cứ pháp lý:
- Luật hộ tịch 2014
- Bộ luật dân sự 2015
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP
- Thông tư 15/2015/TT-BTP
- Công văn 1288/HTQTCT-HT năm 2016 điều chỉnh biểu mẫu hộ tịch kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP