Bài viết dưới đây sẽ trình bày về trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cụ thể là trường hợp đăng ký kết hôn giữa những người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Quyền kết hôn giữa những người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam
Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam với nhau có quyền đăng ký kết hôn tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam.[1]
Theo đó, để được quyền kết hôn tại Việt Nam thì điều kiện tiên quyết là hai bên người nước ngoài đều cần đảm bảo tuân thủ các điều kiện kết hôn hiện hành tại Việt Nam, cụ thể như sau:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Nhà nước Việt Nam không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Thủ tục kết hôn giữa những người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam
1. Thành phần hồ sơ
Hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài lập thành 01 bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
+ Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định[2]
Mỗi bên phải làm Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu), ghi thông tin của hai bên nam, nữ; ký, ghi rõ họ tên của người làm Tờ khai.
Mặt khác, hai bên nam, nữ cũng có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn, ghi thông tin của hai bên nam, nữ; ký, ghi rõ họ tên của hai người.
+ Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân
Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng (cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ), xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng. Trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định chỉ có giá trị 06 tháng, kể từ ngày cấp.
+ Giấy xác nhận của tổ chức y tế
Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền ở Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ xác nhận xác nhận các bên không mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
+ Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân
Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu như: giấy tờ đi lại quốc tế/thẻ cư trú (Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam).
2. Thẩm quyền, thời hạn giải quyết và lệ phí thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn giữa những người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam:
- Thẩm quyền thực hiện:
Đối với trường hợp này, hồ sơ đăng ký kết hôn cần nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên.[3]
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc kết hôn trong trường hợp này sẽ là Ủy ban nhân dân quận, huyện và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính là Phòng Tư pháp.
- Thời hạn giải quyết:
15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.[4]
- Lệ phí đăng ký kết hôn:
+ Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Mức lệ phí đăng ký kết hôn thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện là 1.000.000 đồng/trường hợp (một triệu đồng) theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
+ Tại Thành phố Hà Nội: Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội ban hành quy định mức lệ phí đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện là 1 triệu đồng/việc.
3.Trình tự thực hiện
- Bước 1:
Một bên nam hoặc nữ có thể trực tiếp nộp hồ sơ mà không cần có văn bản ủy quyền của bên còn lại) nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi người đăng ký kết hôn cư trú.
- Bước 2:
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ;
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký và ghi rõ họ tên người tiếp nhận hồ sơ;
+ Trong trường hợp hồ sơ không được bổ sung, hoàn thiện theo hướng dẫn thì người tiếp nhận hồ sơ từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối, người tiếp nhận ký và ghi rõ họ tên.
- Bước 3:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết.
+ Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn theo quy định, Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
+ Trường hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện từ chối đăng ký kết hôn, Phòng Tư pháp thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho hai bên nam, nữ.[5]
- Bước 4:
Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận, huyện, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn;
***Trường hợp đặc biệt: Nếu một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký.
Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
4. Về hợp pháp hóa lãnh sự
Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng kết hôn tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự). Danh sách các nước và các loại giấy tờ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự các bạn có thể xem tại Trang Thông tin điện tử của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam tại địa chỉ www.lanhsuvietnam.gov.vn.
Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch.[6]
[1] Khoản 2 Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
“Điều 126. Kết hôn có yếu tố nước ngoài
2. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.”
[4] Khoản 2 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014.
[5] Khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch quy định: “Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu một hoặc cả hai bên vi phạm điều cấm hoặc không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam”.
[6] Điều 10 Luật Hộ tịch 2014 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Cập nhật bởi lanbkd ngày 17/04/2019 10:18:25 CH