Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thay thế Nghị định 45/2013/NĐ- CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đang được đưa ra lấy ý kiến.
Nghị định này được áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 của Bộ luật lao động gồm:
1. Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động.
2. Người sử dụng lao động.
3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi tại Nghị định này được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng đối tượng này có quy định khác.
Trong đó, hướng dẫn về nghỉ trong giờ làm việc như sau:
1. Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại Khoản 1 Điều 109 của Bộ luật lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 04 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật lao động.
2. “Ca liên tục” để được tính thời gian nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 109 của Bộ luật lao động là ca làm việc có đủ các điều kiện sau:
a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên, không bao gồm thời gian nghỉ giữa giờ;
b) Thời gian nghỉ giữa giờ dưới 60 phút liên tục.
3. Ngoài thời gian nghỉ ngơi quy định tại Điều 109 của Bộ luật lao động, nếu người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên thì được nghỉ thêm trong giờ làm việc ít nhất 30 phút.
4. Nếu các khoảng thời gian nghỉ giải lao tại Khoản 2 Điều 109 của Bộ luật lao động là thời gian quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 Nghị định này thì phải ghi rõ trong nội quy lao động là tính vào thời gian làm việc.
5. Tùy thuộc vào tổ chức lao động, người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định: Đối với tháng mà người lao động có từ 12 ngày làm việc trở lên thì được tính là 01 tháng làm việc thực tế để tính ngày nghỉ hằng năm.
Xem chi tiết dự thảo tại file đính kèm:
Cập nhật bởi MinhPig ngày 13/04/2020 02:43:12 CH