Đây là nội dung của bản Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới (năm 2017).
Khác với các trình tự thủ tục thi hành án thông thường, việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản có những đặc thù riêng, chẳng hạn như sau khi có quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản, chấp hành viên chỉ cưỡng chế thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản mà không thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã những nhiệm vụ này do Quản tài viên thực hiện.
Chấp hành viên có nhiệm vụ giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 2 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên thì phải chấm dứt việc thanh lý và bàn giao cho cơ quan thi hành án...
Do tính đặc thù như vậy nên thực tiễn thi hành đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể bằng sự phối hợp giữa 3 cơ quan nêu trên để ban hành Thông tư liên tịch.
1. Thẩm quyền thi hành quyết định phá sản
- Đối với việc thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại của DN, HTX do Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản thực hiện.
- Đối với việc thi hành phần nghĩa vụ dân sự liên quan đến tài sản, buộc thực hiện công việc hoặc chấm dứt thực hiện công việc trong quyết định tuyên bố DN, HTX; cưỡng chế thu hồi tài sản, giao tài cho người mua được tài sản do Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện.
2. Chuyển giao, ra quyết định thi hành án, giải thích quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản
Thời hạn chuyển giao: 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Thời hạn ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
3. Phí chuyển tiền
Được gửi vào tài khoản do TAND, cơ quan thi hành án mở tại ngân hàng được thanh toán từ giá trị tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán.
4. Ủy thác thi hành án
Trường hợp ủy thác toàn bộ quyết định thi hành quyết định tuyên bố phá sản cho duy nhất 01 cơ quan thi hành án dân sự thì cơ quan nhận ủy thác mở một tài khoản đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của DN, HTX phá sản và phân chia theo phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố phá sản.
Trường hợp cơ quan ủy thác thi hành án đã mở tài khoản thì sau khi có thông báo nhận ủy thác, số tiền trong tài khoản (nếu có) được chuyển đến tài khoản mới của cơ quan nhận ủy thác để xử lý theo quy định; tài khoản mà cơ quan ủy thác đã mở được hủy bỏ.
Trường hợp ủy thác một phần quyết định tuyên bố phá sản thì cơ quan nhận ủy thác ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành vụ việc theo quy định. Khi thu được tiền, tài sản, cơ quan thi hành án nhận ủy thác phải gửi ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan mình. Sau khi đã thi hành xong các khoản có điều kiện theo quyết định ủy thác, cơ quan nhận ủy thác thực hiện chuyển số tiền thu được vào tài khoản của cơ quan thi hành án đã ủy thác và thông báo cho cơ quan đã ủy thác biết để thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố phá sản. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án nhận ủy thác hoàn thành sau khi kết thúc việc thi hành án đối với nội dung được ủy thác và chuyển tiền cho cơ quan đã ủy thác.
Mời các bạn xem thêm tại Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quyết định của Tòa án giải quyết thủ tục phá sản tại file đính kèm.