Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Qua đó, quy định mới về thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Khi nào sẽ thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại Nghị định 119?
Theo Điều 37 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về hiệu lực thi hành như sau:
- Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2024.
- Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ vận hành từ ngày 01/7/2026. Các nội dung có liên quan đến Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ quy định trong Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2026.
Đồng thời, khoản 3 Điều 36 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ tiếp tục thu tiền sử dụng đường bộ theo các quy định về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại Quyết định 19/2020/QĐ-TTg đến ngày 01/7/2026.
Như vậy, mặc dù Nghị định 119/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/10/2024 nhưng quy định về thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng mới sẽ được áp dụng từ 01/07/2026. Thời gian từ đây đến 01/07/2026 thì vẫn sẽ áp dụng các quy định về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại Quyết định 19/2020/QĐ-TTg.
Hướng dẫn thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng từ 2026
Theo Điều 15 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về việc thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng như sau:
(1) Hình thức vận hành hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng
- Hình thức đơn làn có barrier
Theo hình thức này, barrier tại trạm thu phí đường bộ sẽ mở cho phương tiện đi qua khi phương tiện có gắn thẻ đầu cuối hợp lệ và thực hiện thành công thanh toán tiền sử dụng đường bộ.
- Hình thức đa làn tự do
Theo hình thức này, tại khu vực trạm thu phí đường bộ chỉ còn duy trì giá long môn và các thiết bị thu phí gắn trên giá long môn. Hình thức này chỉ áp dụng tại đầu vào của đường cao tốc.
(2) Hướng dẫn quá trình xử lý giao dịch thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng
- Khi phương tiện đi vào vùng nhận diện của hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí đường bộ, hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí đường bộ sẽ đọc thông tin, gửi thông tin giao dịch về Hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu của Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ và gửi lại thông tin cho hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí đường bộ để kết thúc giao dịch phương tiện qua trạm thu phí đường bộ.
- Nội dung trao đổi thông tin và quá trình xử lý giao dịch thanh toán tiền sử dụng đường bộ được thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về trạm thu phí đường bộ và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.
- Sau khi kết thúc giao dịch, Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và đơn vị vận hành thu đồng bộ thông tin giao dịch thanh toán tiền sử dụng đường bộ về Hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
(3) Hai phương thức thanh toán tiền sử dụng đường bộ
Thanh toán tiền sử dụng đường bộ được thực hiện theo phương thức mở và phương thức kín. Trong đó:
- Phương thức mở là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện.
- Phương thức kín là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ dựa vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ và kiểu loại phương tiện.
Như vậy, việc thanh toán tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng từ 2026 sẽ được thực hiện theo hướng dẫn trên.
Những hành vi nào không được thực hiện trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ
Theo Điều 5 Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định những hành vi không được thực hiện trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ bao gồm:
- Phá hủy, làm giả, xoá dữ liệu hoặc can thiệp nội dung thẻ đầu cuối; chuyển thẻ đầu cuối từ phương tiện tham gia giao thông này sang phương tiện tham gia giao thông khác.
- Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, đánh cắp dữ liệu, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi.
- Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình tham gia các hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
- Tiết lộ, cung cấp thông tin có liên quan đến dữ liệu cá nhân không đúng theo quy định của pháp luật.
- Mở hoặc duy trì tài khoản giao thông nặc danh, mạo danh.
- Các hành vi cố tình trốn tránh, gian lận trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
- Cạnh tranh không lành mạnh giữa các Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.
Như vậy, trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ sẽ không được thực hiện những hành vi quy định trên.