Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
…...”
Bố bạn gây thương tích cho người khác 4% là dưới mức 11% nhưng là dùng dao để gây thương tích. Theo quy định của pháp luật, dao được coi là hung khí nguy hiểm. Do đó, hành vi của bố bạn đã cấu thành tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 điều 134 BLHS. Khung hình phạt đối với trường hợp này là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Bên cạnh trách nhiệm hình sự, bố bạn phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe của người khác.
Nếu bạn thấy hình phạt được tuyên là quá nặng so với tính chất của vụ việc thì có thể làm đơn kháng cáo trong thời gian bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Thủ tục kháng cáo theo điều 332 BLTTHS 2015;
“Điều 332. Thủ tục kháng cáo
1. Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
2. Đơn kháng cáo có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
b) Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
c) Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
3. Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.”
- Hình thức kháng cáo: có thể kháng cáo trực tiếp hoặc kháng cáo bằng đơn kháng cáo. Nếu kháng cáo bằng đơn thì đơn kháng cáo phải thể hiện các nội dung về ngày, tháng năm làm đơn; họ tên địa chỉ người kháng cáo( bố bạn hoặc người bào chữa cho bố bạn); lý do và yêu cầu kháng cáo; chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Khi gửi đơn kháng cáo hoặc kháng cáo trực tiếp cần gửi kèm hoặc cung cấp các tài liệu chứng cứ bổ sung nếu có.
- Nơi tiếp nhận kháng cáo: Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Thời hạn kháng cáo theo khoản 1 điều 333 BLTTHS 2015: “1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.”. Kháng cáo phải được thực hiện trong khoảng thời gian là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Nếu đã quá thời hạn nêu trên thì kháng cáo quá hạn vẫn có thể được chấp nhận nếu vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khiến cho việc kháng cáo không thực hiện đúng thời hạn được.
Để thực hiện việc kháng cáo, cần thực hiện đúng quy định trên về hình thức, thời hạn kháng cáo
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.