Hiện nay có nhiều trường hợp chủ nhà phòng vệ khi có người đột nhập trái phép vào nhà của mình nhưng lại phải bồi thường và đi tù ( Ông Phương chém chết trộm phạt 9 năm tù năm 2018 do tòa Hà Nội xử; Anh Hiếu bị tuyên 1 năm tù treo, anh Dũng bị tuyên 1 năm tù giam do đánh trộm thương tích 15% năm 2017 do tòa Bà Rịa Vũng Tàu xử, Ông Ánh bị tuyên 12 tháng tù treo, bồi thường 73 triệu vì đâm trộm gà tổn thương 73% năm 2017 do tòa Tây Ninh xử). Tuy nhiên có thể khẳng định là tòa án xử không sai vì tất cả đều làm đúng luật và căn cứ pháp lý là phòng vệ chính đáng theo Điều 22 Bộ Luật hình sự 2015.
Tuy nhiên, hầu như mọi người đều phải công nhận một vấn đề rằng hậu quả pháp lý mà hai bên phải gánh chịu là hoàn toàn không phù hợp: Người bị thiệt hại do bị xâm phạm chỗ ở, bị đe dọa xâm phạm hay thậm chí là xâm phạm tài sản, sức khỏe, tinh thần, tính mạng,….thực hiện hành vi tự vệ thì phải bồi thường thiệt hại, phải đi tù.
Đến đây chúng ta cần phải xem xét một chút về lịch sử loài người và lịch sử về lãnh thổ. Con người cũng như các loài động vật khác, giữa các cá thể cùng loài luôn tồn tại mối quan hệ cạnh tranh để sinh tồn và phát triển. Bởi lẽ, nguồn thức ăn, lãnh thổ, bạn tình,… là có hạn và ai chiếm được phần tốt sẽ có ưu thế phát triển và có nhiều cơ hội phát triển hơn. Từ đó mà hình thành tập tính bảo vệ lãnh thổ. Theo tiến trình phát triển của xã hội, lãnh thổ của một người dần thay đổi và chia thành nhiều cấp bậc tương ứng với xã hội đó. Tuy nhiên, lãnh thổ cơ bản nhất, là tiền đề cho những phạm vi khác lớn hơn (làng, xã, huyện, tỉnh, đất nước) chính là nhà. Nhà bao gồm tài sản, sinh mạng của những người trong gia đình, là công sức làm việc nhiều năm trời của nhiều thế hệ. Do đó, đối với nhiều người, tâm lý bảo vệ sự bất khả xâm phạm đó được đặt lên hàng đầu.
Xét đến tính đặc biệt như vậy, có lẽ pháp luật cần phải quy phạm pháp luật riêng tương ứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi, xem xét đến mức độ thiệt hại, và trên hết bảo đảm tính răn đe mạnh mẽ đến những người đang có ý định tương tự, bảo đảm trật tự xã hội. Tuy nhiên, nói thì nói vậy nhưng luật hiện nay chỉ có quy định về Phòng vệ chính đáng, do đó trong thời gian này, các bạn có thể tham khảo một số ý kiến của mình để xử lý tình huống cho văn minh lịch sự nhé:
Cách 1: Phòng cháy hơn chữa cháy.
Mua nhà chung cư để có người bảo vệ 24/24, thuê bảo vệ (hơi tốn kém nhưng chất lượng bảo đảm), mua nhà gần đồn công an để được trông coi 24/24 ( hơi khó), thuộc diện VIP (very important person) của chính phủ, đảng, hoặc làm các ông trùm bà trùm.
Cách 2: Quân tử động khẩu không động thủ.
Khi phảt hiện trộm vào nhà, bạn phải chủ động mời ra gặp mặt, khuyên bảo, mời ăn cơm, nói điều hay lẽ phải, khuyên răn các bạn trộm quay đầu là bờ, giúp các bạn một chút tài chính và hướng dẫn họ cách làm giàu, như vậy cuộc sống sẽ đẹp hơn. (lưu ý: tỷ lệ thành công thấp vì tâm lý của kẻ trộm là bí mật, nhanh chóng, hiệu quả nên bị phát hiện có thể gây hoảng sợ và mất kiểm soát)
Cách 3: Im hơi lặng tiếng, chỉ đường hươu chạy
Khi phát hiện trộm vào nhà, bạn chủ động bình tĩnh giữ im lặng, trộm muốn làm gì thì làm, lấy gì thì lấy, có thể chủ động mở cửa, tạo điều kiện,.. sau rồi báo công an cũng chưa muộn. (Tỷ lệ thành công: Cao nhất, tuy nhiên hậu quả nặng nề là công an ít khi giải quyết mấy vụ nhỏ nhặt này, hơn nữa nếu bị trộm phát hiện có khả năng bị chuyển hóa tội phạm, (chuyển thành cuớp, hiếp, giết), là hành vi dung dưỡng tội phạm, gây hậu quả xấu cho xã hội)
Cách 5: Đánh trộm
Đánh nhẹ dưới 10% thì chỉ phải bồi thường thuốc men, đánh dùng dao thì không chém vào mấy chỗ nguy hiểm như đầu, cổ không thì phải tội giết người, tốt nhất là phải làm một khóa võ thuật rèn luyện sức khỏe đồng thời bảo vệ bảo thân.
Cách cuối cùng: Đừng có nhà, vậy là an toàn.