Hướng dẫn cách phản ánh cuộc gọi rác, lừa đảo đến CQNN nhanh nhất

Chủ đề   RSS   
  • #599944 03/03/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1697 lần


    Hướng dẫn cách phản ánh cuộc gọi rác, lừa đảo đến CQNN nhanh nhất

    Hiện nay, sự riêng tư dễ dàng bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, hay thậm chí khủng bố, giả mạo các cơ quan nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy làm cách nào để người dân có thể phản ánh cuộc gọi rác, lừa đảo nhanh nhất?

    Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, thời gian qua tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.

    Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kể từ ngày 1/3/2023, đầu số 156 sẽ được sử dụng chung để tiếp nhận các yêu cầu tra cứu thông tin tên miền và phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo...

    Bộ TT&TT giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông tiếp nhận và xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156; thống nhất cách thức kết nối, trao đổi thông tin giữa hệ thống của doanh nghiệp và hệ thống của VNNIC; quy trình tiếp nhận, lưu trữ, chuyển tiếp, xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156.

    Đại diện Cục Viễn thông cũng đưa ra lời khuyên khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai cách: Gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại tới đầu số 156 như sau:

    Cách thứ nhất: Khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

    Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

    Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

    Cách thứ hai: Khách hàng gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

    Từ đó, sẽ yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo Điểm e, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).

    Như vậy, khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 hoặc người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156 để nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT&TT để có biện pháp xử lý kịp thời.

    Chế tài nào dành cho hành vi sử dụng “sim rác” để khủng bố

    Xử phạt hành chính:

    Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử quy định:

    Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi:

    “……..

    g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác…..”

    Theo đó, hành vi dùng “sim rác” nhắn tin, gọi điện quấy rối, làm phiền người dân hay đe dọa, khủng bố có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự:

    Ngoài ra, hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và vu khống người khác.

    Về Tội làm nhục người khác căn cứ tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 quy định Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    Mức phạt cao nhất lên tới 05 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Về Tội vu khống người khác căn cứ tại Điều 156 BLHS 2015 được sửa đổi bởi điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi BLHS 2017 quy định :

    Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

    - Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

    - Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

    Mức phạt cao nhất lên tói 07 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01- 05 năm.

     
    1192 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (03/03/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận