Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những tổ chức công khai nhận làm giả bằng lái xe, thi hộ kỳ thi sát hạch. Vậy luật quy định thế nào về bằng lái xe? Tra cứu bằng lái xe như thế nào? Mua và sử dụng bằng giả bị xử phạt như thế nào?
(1) Luật quy định như thế nào về bằng lái xe?
Bằng lái xe là tên gọi thông dụng, thường được dùng để chỉ Giấy phép lái xe. Đây là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân, cho phép họ vận hành, lưu thông và tham gia giao thông bằng các loại xe cơ giới trên đường bộ như xe máy, ô tô, xe khách,...
Bằng lái xe là bằng chứng xác nhận người lái xe đã được đào tạo và đủ điều kiện để điều khiển loại xe tương ứng. Giúp đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn do người lái xe không có chuyên môn. Đồng thời, bằng lái xe còn là cơ sở để các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông.
Mỗi loại xe cơ giới sẽ có một hạng bằng lái xe tương ứng. Theo Điều 59 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp các hạng bằng lái xe sau:
- Hạng A:
+ A1: Cho phép lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm³ đến dưới 175 cm³. Thời hạn sử dụng: Không thời hạn.
+ A2: Cho phép lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm³ trở lên. Thời hạn sử dụng: Không thời hạn.
+ A3: Cho phép lái xe mô tô ba bánh, bao gồm cả xe lam và xe xích lô máy. Thời hạn sử dụng: Không thời hạn.
+ A4: Cho phép lái xe máy kéo có trọng tải thiết kế đến 1.000 kg. Thời hạn sử dụng: 10 năm kể từ ngày cấp.
- Hạng B:
+ B1 số tự động: Cho phép lái xe ô tô chở người từ 4 đến 9 chỗ (kể cả lái xe) sử dụng hộp số tự động. Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg. Thời hạn sử dụng: Đối với nữ là kể từ ngày cấp đến năm 55 tuổi, đối với nam là kể từ ngày cấp đến năm 60 tuổi.
+ B2: Cho phép lái xe ô tô tải có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg chở người đến 9 chỗ ngồi kể cả lái xe (bao gồm cả số tự động và số sàn). Thời hạn sử dụng: 10 năm kể từ ngày cấp.
- Hạng C (từ đủ 21 tuổi trở lên): Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3500kg trở lên. Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và ô tô tải có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên. Thời hạn sử dụng: 05 năm kể từ ngày cấp.
- Hạng D (từ đủ 24 tuổi trở lên): Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe. Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C. Thời hạn sử dụng: 05 năm kể từ ngày cấp.
- Hạng E: Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D. Thời hạn sử dụng: 05 năm kể từ ngày cấp.
- Hạng F:
+ FB2 (từ đủ 21 tuổi trở lên): cấp cho người lái xe ô tô để lái loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2, có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và B2.
+ FC (từ đủ 24 tuổi trở lên): cấp cho người lái xe ôtô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2.
+ FD (từ đủ 27 tuổi trở lên): cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2.
+ FE: (từ đủ 27 tuổi trở lên được thi bằng lái xe hạng FE. Độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam) cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.
Ngoài ra, các hạng giấy phép lái xe D,E,F là loại không thể thi trực tiếp mà phải thi nâng hạng.
(2) Cách kiểm tra bằng lái xe thật, giả
Cách 01: Kiểm tra bằng CCCD gắn chip qua ứng dụng VNeID
Công dân có thể thực hiện việc tra cứu bằng lái xe bằng CCCD gắn chip nếu bằng lái xe đã được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quốc gia, cụ thể:
- Bước 01: Mở ứng dụng VNeID và đăng nhập tài khoản
- Bước 02: Sau khi đã đăng nhập thành công, chọn vào “Quét mã”. Tiếp theo đó, di chuyển camera về mã QR trên góc phải của CCCD.
- Bước 03: Khi quét mã QR thành công, hệ thống sẽ hiển thị bằng lái xe được tích hợp của công dân.
Cách 02: Kiểm tra bằng tin nhắn
Bước 01: Công dân soạn tin nhắn với cú pháp:
TC [phím cách] [Số GPLX] sau đấy gửi tin nhắn đến 0936.083.578 hoặc 0936.081.778 (500 - 2000 đồng/tin nhắn)
Bước 02: Sau khi đã gửi tin nhắn, công dân sẽ được hệ thống trả về các thông tin liên quan của Giấy phép lái xe cần tra cứu đến điện thoại bao gồm: Hạng bằng lái, số seri, ngày hết hạn, trạng thái vi phạm,…
Lưu ý: Hiện tại, việc tra cứu bằng lái xe bằng tin nhắn chỉ được áp dụng với Giấy phép lái xe mới làm bằng vật liệu PET.
Cách 03: Kiểm tra bằng Trang thông tin Giấy phép lái xe
Bước 01: Công dân truy cập vào trang thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tra cứu bằng lái xe qua đường link: https://gplx.gov.vn/
Bước 02: Công dân tiến hành nhập đầy đủ thông tin bao gồm: Loại GPLX, số GPLX, ngày/tháng/năm sinh, mã bảo vệ.
Bước 03: Sau khi đã điền đầy đủ thông tin, nhấn vào ô “Tra cứu Giấy phép lái xe”. Sau đó, Hệ thống sẽ trả về đầy đủ và đúng với thông tin về bằng lái xe tra cứu như họ tên, hạng xe số seri, ngày trúng tuyển, nơi cấp, ngày cấp và ngày hết hạn.
Trường hợp Hệ thống trả về thông tin không khớp hoặc không tìm thấy số GPLX đã nhập thì công dân kiểm tra lại các thông tin điền đã chính xác hay chưa. Nếu đã kiểm tra lại thông tin thì có 02 khả năng:
- GPLX hiện tại là giả.
- Hoặc đã tham gia thi GPLX mà chưa hiện thì có thể do thông tin chưa được cập nhật lên hệ thống: Cần liên hệ Sở Giao thông vận tải nơi cấp GPLX để cập nhật thông tin.
Cách 04: Kiểm tra bằng mã QR
Hiện cách kiểm tra bằng Mã QR chỉ áp dụng cho những trường hợp sử dụng Giấy phép lái xe có in mã QR ở góc trái mặt sau.
Bước 01: Mở ứng dụng có chức năng quét mã QR như: Zalo, Barcode Việt, QR Code Reader Air, Kaspersky QR Scanner, Quick Scan – QR Code Reader,...
Bước 02: Mở tính năng quét mã QR sau đó đưa camera về phía mã QR được in trên Giấy phép lái xe và quét mã.
Bước 03: Sau khi đã quét mã thành công, Hệ thống sẽ trả về các thông tin như sau nếu Giấy phép lái xe hợp lệ:
- Nội dung mã QR
- Họ tên
- Ngày tháng năm sinh
- Hạng GPLX
- Nơi cấp GPLX
(3) Mua và sử dụng bằng lái xe giả bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Khoản 5 và Khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
- Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm³ và các loại xe tương tự xe mô tô:
+ Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
- Phạt tiền từ 04 triệu đồng đến 05 đồng đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm³ trở lên, xe mô tô ba bánh:
+ Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nêu trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu bằng lái xe máy không do cơ quan có thẩm quyền cấp này. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng đối với Giấy phép lái xe được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý.
Thêm nữa, trường hợp sử dụng bằng lái xe giả còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
- Mức 1:
+ Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
+ Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
+ Phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
- Mức 2 (tăng nặng): Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu có một trong các yếu tố sau:
+ Có tổ chức.
+ Phạm tội 02 lần trở lên.
+ Làm giả từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả.
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
+ Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Mức 3 (rất nghiêm trọng): Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu có một trong các yếu tố sau:
+ Làm giả 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả trở lên.
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.
Ngoài các mức hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Tổng kết lại, bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân, cho phép họ vận hành, lưu thông và tham gia giao thông bằng các loại xe cơ giới trên đường bộ. Công dân có thể tự kiểm tra bằng lái xe của mình bằng 04 cách qua ứng dụng VNeID, CCCD gắn chip,... Trường hợp mua và sử dụng bằng lái xe giả có thể bị xử phạt từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Mức phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tù từ 03 đến 07 năm tù.