Hợp đồng vi phạm về hình thức có bị vô hiệu không?

Chủ đề   RSS   
  • #606873 17/11/2023

    quynhnn18

    Female
    Sơ sinh

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/02/2019
    Tổng số bài viết (74)
    Số điểm: 481
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 4 lần


    Hợp đồng vi phạm về hình thức có bị vô hiệu không?

    Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên nhưng không vì thế mà pháp luật cho phép các bên được tự do thỏa thuận một cách tuyệt đối. Trong một số trường hợp, các bên buộc phải tuân thủ đúng hình thức của hợp đồng khi giao kết. Vậy nếu một hợp đồng vi phạm về mặt hình thức thì có bị vô hiệu không?

    1. Hợp đồng là gì?

    Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

    2. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

    Bởi vì hợp đồng là một giao dịch dân sự nên để hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì nó phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực dân sự tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    - Thứ nhất, chủ thể của giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

    - Thứ hai, chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

    - Thứ ba, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    - Thứ tư, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

    Như vậy, hình thức của hợp đồng là một trong những điều kiện để xác định hiệu lực của hợp đồng nếu luật có quy định về hình thức của loại hợp đồng đó.

    3. Hợp đồng vi phạm về hình thức có bị vô hiệu?

    Như đã phân tích ở trên thì hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp luật có quy định. Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 thì hình thức hợp đồng có thể được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Và trong trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

    Hiện nay, pháp luật nước ta quy định một số loại hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản và thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực như hợp đồng mua bán nhà ở (khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014), hay hợp đồng trao đổi tài sản (Điều 455 Bộ luật Dân sự 2015). Nếu các bên không tuân thủ đúng hình thức của các loại hợp đồng này sẽ dẫn đến việc hợp đồng bị vô hiệu.

    Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp hợp đồng vi phạm quy định về hình thức thì đều bị vô hiệu, có hai trường hợp ngoại lệ được luật quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 là:

    - Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

    - Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

    Do đó có thể nói, hợp đồng vi phạm về hình thức do luật định sẽ bị vô hiệu trừ hai trường hợp ngoại lệ đã nêu ở trên.

     
    873 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận