Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019:
“Điều 20. Loại hợp đồng lao động
...
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
…
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.”
Theo đó, có thể thấy pháp luật hiện quy định chỉ được ký hợp đồng lao động có thời hạn (xác định thời hạn) tối đa hai lần. Tuy nhiên, có những trường hợp được ký hợp đồng lao động có thời hạn nhiều lần, một trong số đó là hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài tại Điều 151 Bộ luật này như sau:
“Điều 151. Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
...
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
…”
Như vậy, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn với người lao động nước ngoài nhiều lần.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
…”
Dựa vào quy định trên, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi đáp ứng đủ 02 điều kiện: (1) Có giấy phép lao động và (2) Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên.
Do đó, khi không đáp ứng một trong hai điều kiện này thì người này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên doanh nghiệp cũng không có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.