Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Bộ Luật Lao động năm 2012 về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề thì:
“1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
c) Chi phí đào tạo;
d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.”
Theo như quy định trên thì hợp đồng đào tạo là sự thỏa thuận về những điều khoản liên quan đến đào tạo của người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, thời hạn đào tạo là một trong những điều khoản do các bên thỏa thuận, việc đào tạo sẽ kéo dài bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí, sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Hiện nay, pháp luật chưa giới hạn về thời gian đào tạo trong hợp đồng đào tạo giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Hợp đồng đào tạo là hợp đồng được ký kết khi người lao động và người sử dụng lao động có nhu cầu đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp hoặc đào tạo lại để phục vụ nhu cầu cho công việc nên khi có nhu cầu đào tạo và có sự đồng thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thì có thể tiến hành ký kết hợp đồng đào tạo. Do vậy, số lần ký kết hợp đồng đào tạo giữa người sử dụng lao động và người lao động phụ thuộc vào nhu cầu thực tế và sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.