Về mặt pháp lý, Hợp đồng cộng tác viên (hay một số hợp đồng có tính chất tương tự như hợp đồng chuyên gia, hợp đồng thực hiện công việc cá nhân,…) có thể được xem xét là một loại hợp đồng dịch vụ (với cơ sở pháp lý là sự tồn tại mối quan hệ giữa bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ).Thực hiện theo quy định từ Điều 513 đến Điều 521 Bộ luật Dân sự 2015.
Hiện nay Hợp đồng dịch vụ đang được điều chỉnh bởi hai nguồn luật chính đó là Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại.
Theo quy định của pháp luật lao động, có hai loại hợp đồng lao động một là hợp động lao động không xác định thời hạn và hai là hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Do đó, về mặt tên gọi thì hợp đồng cộng tác viên không phải là một loại hợp đồng lao động. Nhưng đối với pháp luật Việt Nam thì tên gọi không phải là yếu tố quyết định, mà nội dung và bản chất của hợp đồng mới là yếu tố quan trọng nhất.
Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định:
“Điều 13. Hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”.
Như vậy, nếu nội dung của hợp đồng cộng tác viên (hợp đồng chuyên gia, hợp đồng thực hiện công việc cá nhân,…) có chứa đựng các nội dung giống hoặc có tính chất tương tự như nội dung của hợp đồng lao động thì đây có thể được xem là hợp đồng lao động.