Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
Bên cạnh đó, Điều 48 cũng quy định về phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Cụ thể phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Tuy nhiên, trong trường hợp của chị bạn, nếu chị của bạn muốn kiện người đàn ông đó vì hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì không có căn cứ pháp lý. Bởi vì chị của bạn và người ấy chưa đăng ký kết hôn, do đó, trên phương diện pháp luật, hai người chưa là vợ chồng. Nên việc người đàn ông đó cặp bồ và có con với người khác thì pháp luật không điều chỉnh.
Khi giải quyết quan hệ về nhân thân và tài sản, thì vẫn dựa chủ yếu vào thỏa thuận của các bên. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết theo pháp luật.
Tóm lại, việc sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ mang lại nhiều rủi ro, quyền lợi của một bên sẽ không được đảm bảo khi bên kia “thay lòng”.