Vừa qua, UBND Quận 1, Quận 10 và Quận 11 đã hoàn thành khảo sát và gửi Sở GTVT TP.HCM danh mục các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông…
(1) Lý do phải cho người dân thuê vỉa hè là gì?
Thực trạng lấn chiếm vỉa hè để sử dụng cho mục đích kinh doanh, làm chỗ giữ xe không phí hoặc có thu phí tại TP.HCM là một việc gây “nhức nhối” cho các cơ quan chức năng. Có rất nhiều kế hoạch, phương án đưa ra và thực hiện để “giành” lại vỉa hè cho người đi bộ, song việc này rất khó thực hiện, vì chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy.
Theo Giám đốc sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm chia sẻ: “Chừng nào TP.HCM có những khu đô thị hiện đại mới có thể “đòi” hết vỉa hè, đường phố lại cho giao thông. Cấu tạo đô thị thành phố hiện nay nhiều hẻm nhỏ, cấu phần kinh tế ở và kinh doanh hỗn hợp, nhu cầu buôn bán lề đường, lòng đường, vỉa hè để mưu sinh còn cao, không thể cấm nổi!”
Thật vậy, có những nhu cầu thực tế như khi bán hàng bên trong nhà, khách tới cũng phải có chỗ để xe hay nhiều người bán rong, không có mặt bằng cũng phải đỗ xe hoặc bày hàng quán trên vỉa hè, dưới lòng đường. TP.HCM đã sử dụng nhiều biện pháp quyết liệt, được sự ủng hộ của nhiều người dân nhưng kết quả tựu chung lại là người đi bộ vẫn phải “nhường” lại vỉa hè cho hàng quán, xe cộ.
(2) Các tuyến đường đủ điều kiện cho thuê vỉa hè là tuyến đường nào?
Hiện nay, mới có danh sách của các tuyến đường Quận 1, Quận 10, Quận 11 đủ điều kiện cho thuê vỉa hè. Về nguyên tắc, 100% vỉa hè là dành cho người đi bộ, nên việc cho thuê tạm thời vỉa hè cũng phải bảo đảm được vỉa hè vẫn còn chỗ cho người đi bộ.
Cụ thể, các tuyến đường có có vỉa hè rộng hơn 3m, phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ phải đảm bảo rộng tối thiểu 1,5m và thông suốt liên tục (không tính phạm vi bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm dụng) sẽ thuộc diện được xem xét.
Để có thể đủ điều kiện cho thuê vỉa hè thì còn cần phải xem xét tới các yếu tố khác như việc cho thuê vỉa hè có tác động thế nào đến giao thông và thời gian sử dụng là bao lâu. Trường hợp quãng đường mà doanh nghiệp và người dân muốn thuê có ảnh hưởng tới những hộ lân cận thì người đề xuất thuê phải thống nhất với các hộ đó hoặc địa phương sẽ đứng ra tổ chức lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận, hài hòa.
Các tuyến đường đủ điều kiện được UBND Quận 1, Quận 10 và Quận 11 trình lên sau khi khảo sát bao gồm:
Quận 1
- 52 tuyến đường đủ điều kiện cho thuê để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa
- 12 tuyến đường đủ điều kiện cho thuê để tổ chức giữ xe có thu phí
Một số tuyến đường đó là: Bùi Thị Xuân, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Cô Bắc, Cống Quỳnh, Đề thám, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Cư Trinh, Hoàng Sa…
Quận 10
- 28 tuyến đường đủ điều kiện cho thuê vỉa hè để tổ chức giữ xe có thu phí
Một số tuyến đường đó là: Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Vĩnh Viễn, Bà Hạt, Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Chí Thanh, Trần Nhân Tôn, Ngô Quyền, Đào Duy Từ, Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt,...
Quận 11
- 17 tuyến đường đủ điều kiện cho thuê vỉa hè để tổ chức giữ xe 2 bánh không thu phí
- 1 tuyến đường đủ điều kiện cho thuê vỉa hè để tổ chức giữ xe có thu phí
Một số tuyến đường có thể kể đến như là: Ba Tháng Hai, Hồng Bàng, Minh Phụng, Hòa Bình, Lạc Long Quân,...
(3) Mức thu phí
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn từ 01/01/2024.
Theo Điều 2 Nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND, mức thu phí cho sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM như sau:
STT
|
Khu vực
|
Giá đất bình quân Khu vực (đồng/m2)
|
Mức thu phí cho các hoạt động (trừ hoạt động đỗ xe và trông giữ xe) (đồng/m2/tháng)
|
Mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe (đồng/m2/tháng)
|
Các tuyến đường Trung tâm
|
Các tuyến đường còn lại
|
Các tuyến đường Trung tâm
|
Các tuyến đường còn lại
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
(7)
|
1
|
Khu vực 1
|
36.812.169
|
100.000
|
50.000
|
350.000
|
180.000
|
2
|
Khu vực 2
|
13.659.296
|
30.000
|
20.000
|
100.000
|
70.000
|
3
|
Khu vực 3
|
8.524.113
|
20.000
|
20.000
|
60.000
|
60.000
|
4
|
Khu vực 4
|
4.013.724
|
20.000
|
20.000
|
60.000
|
60.000
|
5
|
Khu vực 5
|
912.000
|
20.000
|
20.000
|
50.000
|
50.000
|
Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một (01) tháng thì tính nửa tháng. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong một (01) tháng thì tính 01 tháng.
Trong đó:
- Khu vực 1, gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, quận Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
- Khu vực 2, gồm: Quận 2 (nay thuộc Thành phố Thủ Đức) (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), Quận 6, Quận 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố), Quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Bình Tân.
- Khu vực 3, gồm: Quận 8, Quận 9 (nay thuộc Thành phố Thủ Đức), Quận 12, quận Thủ Đức (nay thuộc Thành phố Thủ Đức), quận Tân Phú, quận Gò vấp.
- Khu vực 4, gồm: Huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi.
- Khu vực 5, gồm: huyện Cần Giờ.
- Các tuyến đường trung tâm là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn giá đất bình quân khu vực.
- Các tuyến đường còn lại là các tuyến đường có giá đất thấp hơn giá đất bình quân khu vực.
Theo ông Trần Quang Lâm, sau khi tập hợp đủ danh sách các tuyến đường từ các quận, huyện, TP.Thủ Đức, Sở GTVT sẽ cùng các đơn vị liên quan xem xét, trước khi thống nhất triển khai trong năm nay.