1. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet.
1.1. Các khái niệm cơ bản:
+ Dịch vụ truy nhập Internet được quy định tại mục a khoản 9 Điều 3 Nghị định 97/2008/NĐ-CP là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng khả năng truy nhập đến Internet;
+ Hệ thống thiết bị Internet là tập hợp các thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và các thiết bị phụ trợ khác bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm được các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực Internet thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà tổ chức, cá nhân đó được toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật để phục vụ trực tiếp cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet (Trích mục 3 Điều 3 Nghị định 97);
+ Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet: Bao gồm các điểm kinh doanh dịch vụ có cung cấp dịch vụ truy nhập Internet ra công cộng, bao gồm:
- Đại lý Internet: Quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định 97/2008/NĐ-CP, theo đó đại lý Internet được chia làm hai loại hình kinh doanh dịch vụ có và không thu phí sử dụng dịch vụ, cụ thể:
* Là các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nhân danh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông cho người sử dụng thông qua hợp đồng đại lý và hưởng thù lao;
* Các tổ chức, cá nhân là chủ các khách sạn, nhà hàng, văn phòng, sân bay, bến xe, v.v… khi cung cấp dịch vụ Internet cho người sử dụng không thu cước dịch vụ trong phạm vi các địa điểm nói trên đều phải ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và thực hiện đầy đủ các quy định về đại lý, trừ các quy định liên quan đến giá cước đối với người sử dụng dịch vụ.
- Điểm truy nhập Internet: Là các điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet ra công cộng nhưng chưa thực hiện giao kết hợp đồng đại lý với bất kì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet nào.
+ Kinh doanh có điều kiện: Quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 do quốc hội ban hành ngày 14/06/2005, đối với hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hoá và các bên mua bán hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể đối với loại hình kinh doanh đại lý dịch vụ Internet công cộng được quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP là loại hình kinh doanh có điều kiện.
Các nội dung của điều kiện kinh doanh dịch vụ Internet được quy định tại Điều 15 Nghị định 97/NĐ-CP, bao gồm:
- Địa điểm mặt bằng hoạt động kinh doanh: Quy định chi tiết tại khoản 1 mục II Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT;
- Giấy phép đăng ký kinh doanh: Quy định chi tiết tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 97/2008/NĐ-CP;
- Hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ: Chi tiết quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định 97/2008/NĐ-CP;
- Có hệ thống thiết bị Internet đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin: Quy định về điều kiện tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 97, chi tiết tham chiếu tại khoản 5 Mục II và khoản 5 Mục III Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT;
- Niêm yết nội dung sử dụng dịch vụ: Điều kiện này được quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 97.
1.2. Danh mục các văn bản về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet:
Các văn bản, tài liệu sau đây là các văn bản thiết yếu phục vụ trực tiếp cho công tác thanh, kiểm tra các đại lý, điểm truy nhập Internet phục vụ cho cán bộ quản lý, thanh tra viên, cán bộ chuyên trách thông tin và truyền thông các quận, huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ sở:
+ Các quy định về quản lý đại lý, điểm truy nhập Internet:
* Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/08/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet;
* Thông tư số 05/2008/TT-BTTTT ngày 12/11/2008 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đối với dịch vụ Internet;
+ Các quy định về xử lý vi phạm hành chính về Internet:
* Nghị định số 28/2009/NĐ-CP ngày 20/03/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet;
* Nghị định số 63/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin;
+ Các biểu mẫu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm:
* Quyết định số 303/QĐ-BBCVT ngày 04/04/2007 về việc ban hành danh mục và mẫu các văn bản trong hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành;
+ Các văn bản có liên quan, tham chiếu:
* Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại;
* Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/06/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động Văn hóa - Thông tin.
* Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14/07/2005 về quản lý đại lý Internet;
* Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/06/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến (Online Games);
* Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/06/2006 của Chính phủ quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
* Văn bản số 2967/BTTTT-TTra ngày 17/09/2008 về việc tăng cường ngăn chặn hack Online game và nhắn tin lừa đảo do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành;
* Văn bản số 5030/BKH-PTDN ngày 06/07/2006 của Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn đăng ký kinh doanh đại lý Internet;
2. Các nội dung tiến hành kiểm tra trực tiếp tại đại lý, điểm truy nhập Internet.
- Kiểm tra các văn bản, tài liệu có nội dung liên quan đến nội dung kiểm tra, như: giấy phép ĐKKD, Hợp đồng, chứng chỉ đại lý Internet;
- Kiểm tra các điều kiện về địa điểm và mặt bằng bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường để bảo vệ an toàn và sức khoẻ cho người sử dụng dịch vụ;
- Kiểm tra hệ thống trang thiết bị máy chủ quản lý đại lý (khai thác và kiểm tra thông tin trên hệ thống phần mềm quản lý đại lý);
- Kiểm tra việc niêm yết nội quy sử dụng dịch vụ theo quy định;
- Kiểm tra việc thực hiện thời gian đóng mở cửa cung cấp dịch vụ theo quy định:
+ Đối với đại lý Internet: “Được phép kinh doanh tại địa điểm kinh doanh của đại lý Internet từ 6 giờ đến 24 giờ hàng ngày” quy định tại khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 02;
+ Đối với đại lý Internet có cung cấp trò chơi trực tuyến: “Chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến tại các địa điểm kinh doanh đại lý Internet từ 6 giờ đến 23 giờ hàng ngày” quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 60;
- Kiểm tra việc lưu giữ, truyền đưa, sử dụng thông tin số, chương trình phần mềm của người sử dụng dịch vụ tại thời điểm kiểm tra;
- Kiểm tra và xác định trách nhiệm của chủ đại lý, điểm truy nhập trong việc cài đặt, sử dụng, truyền đưa các chương trình phần mềm Auto Play, virus, hack Online game, hack mật khẩu... bị cấm sử dụng theo quy định.
3. Các hành vi vi phạm hành chính và áp dụng xử lý vi phạm trong cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet.
Tính đến thời điểm hiện nay, việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet chủ yếu được áp dụng 02 văn bản quan trọng: Nghị định 97/2008/NĐ-CP và Nghị định 28/2009/NĐ-CP.
Tuy nhiên, các quy định về quản lý và xử lý vi phạm về Internet ở nước ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện từng bước, cụ thể là về tính hiệu lực và thời sự của 02 Thông tư (Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT và Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BBCVT-BVHTT-BCA), mặc dù Nghị định 55/2001/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 97 nhưng áp dụng theo các quy định tại điều 80, 81, 83 Luật số 17/2008/QH12 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009, quy định về ngưng hiệu lực, hết hiệu lực và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì 02 Thông tư nói trên vẫn còn hiệu lực thi hành, đặc biệt trong đó có rất nhiều quy định còn mang tính thời sự và vẫn còn có thể áp dụng vào thực tiễn quản lý.
Do vậy, để công tác thanh tra, kiểm tra các đại lý, điểm truy nhập Internet được thực thi có hiệu quả dựa trên nguyên tắc áp dụng pháp luật có tính hợp pháp, tính thống nhất, sau quá trình nghiên cứu, tổng hợp, đối chiếu và so sánh các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan, bài viết này đã tổng kết các hành vi vi phạm hành chính và việc áp dụng xử lý vi phạm trong cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet thành 02 nhóm hành vi, với 10 hành vi, 03 hình thức xử phạt và 08 mức xử phạt khác nhau, được áp dụng và tham chiếu chủ yếu trên 04 Nghị định và 02 Thông tư liên tịch, cụ thể như sau:
3.1. Nhóm hành vi về điều kiện hoạt động kinh doanh đại lý Internet:
3.1.1. Vi phạm quy định về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
a./ Kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Đối với đối tượng vi phạm là tổ chức kinh tế, áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật số 60/2005/QH11 về Doanh nghiệp do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành ngày 29/11/2005 về nghĩa vụ của doanh nghiệp, hành vi này được tham chiếu theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2008/NĐ-CP, áp dụng xử lý vi phạm tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 06/2008/NĐ-CP;
- Đối với đối tượng vi phạm là hộ kinh doanh, tham chiếu khoản 1 Điều 11 Nghị định 06/2008/NĐ-CP và áp dụng xử lý vi phạm tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 06/2008/NĐ-CP;
b./ Không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
- Đối với đối tượng vi phạm là tổ chức kinh tế, áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 3 “Nghị định 88/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29/08/2006 về đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh” về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh và khoản 2 Điều 15 Nghị định 97 về điều kiện kinh doanh đại lý Internet, hành vi này được tham chiếu theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 06/2008/NĐ-CP, áp dụng xử lý vi phạm tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 06/2008/NĐ-CP;
- Đối với đối tượng vi phạm là hộ kinh doanh, quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 97 về điều kiện kinh doanh đại lý Internet, tham chiếu khoản 2 Điều 11 Nghị định 06/2008/NĐ-CP và áp dụng xử lý vi phạm tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 06/2008/NĐ-CP;
3.1.2. Không có hợp đồng đại lý với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet: Quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 97 về điều kiện kinh doanh đại lý Internet; khoản 1, 2 Điều 9 Nghị định 97 về đại lý Internet;
Hành vi này được áp dụng xử lý vi phạm cho hai loại hình kinh doanh dịch vụ Internet: có thu phí và không thu phí. Đối với trường hợp đại lý có thu phí (đại lý Internet truyền thống) được áp dụng xử lý vi phạm theo mục b khoản 1 Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này; Trường hợp đại lý không thu phí (các điểm truy nhập Wifi Internet) sẽ được áp dụng xử lý vi phạm theo mục b khoản 3 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
3.1.3. Điều kiện về địa điểm và mặt bằng không bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường để bảo vệ an toàn và sức khoẻ cho người sử dụng dịch vụ:
Được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 97 về điều kiện kinh doanh đại lý Internet, tham chiếu quy định chi tiết tại khoản 1 Mục II Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT, áp dụng xử lý vi phạm tại mục a khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
3.1.4. Không có hệ thống thiết bị Internet đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo quy định:
Mục 3 Điều 3 Nghị định 97 đã xác định: “Hệ thống thiết bị Internet là tập hợp các thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và các thiết bị phụ trợ khác bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm được các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực Internet thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà tổ chức, cá nhân đó được toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật để phục vụ trực tiếp cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.”, quy định này đã được Nghị định 97 kế thừa từ điểm 5 mục II Thông tư liên tịch số 02. Do vậy việc áp dụng quy định và xử lý hành vi này sẽ được diễn giải như sau:
- Hành vi không trang bị hệ thống máy chủ quản lý tập trung: Vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 97 về điều kiện kinh doanh đại lý Internet, tham chiếu quy định chi tiết tại khoản 5 Mục II Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT và áp dụng xử lý vi phạm tại mục b khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
Đối với phần mềm quản lý đại lý, có thể do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cung cấp và cài đặt cho các đại lý Internet hoặc do đại lý tự trang bị và cài đặt, nhưng phải đáp ứng việc lưu giữ thông tin về người sử dụng dịch vụ bao gồm địa chỉ đã truy cập, thời gian truy cập, loại hình dịch vụ (email, chat, ftp, Telnet….) trong thời gian 30 ngày. Thời gian lưu giữ tính từ khi thông tin đi/đến máy chủ để phục vụ cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo an ninh thông tin;
+ Hành vi không cài đặt phần mềm quản lý đại lý:
Quy định này được tham chiếu theo khoản 5 mục III Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT; áp dụng xử lý vi phạm theo mục b khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
+ Hành vi cài đặt nhưng không sử dụng phần mềm quản lý đại lý:
Quy định này được tham chiếu theo khoản 5 mục III Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT; áp dụng xử lý vi phạm theo mục b khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
+ Phần mềm quản lý đại lý không bảo đảm việc quản lý, lưu trữ thông tin đã truy nhập của khách hàng, trong thời gian 30 ngày, tại đại lý:
Quy định này được tham chiếu theo khoản 5 mục III Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT; áp dụng xử lý vi phạm theo mục b khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
3.1.5. Thiết lập hệ thống thiết bị Internet ngoài địa điểm đã đăng ký trong hợp đồng để làm đại lý Internet:
Quy định xử lý vi phạm tại mục c khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
3.1.6. Khoảng cách của đại lý kinh doanh dịch vụ Internet có cung cấp trò chơi trực tuyến (Online Games) đến cổng ra vào của các trường học (từ mẫu giáo đến TPTH) dưới 200m:
Quy định xử lý vi phạm tại mục a khoản 2 Điều 35 Nghị định 56/2006/NĐ-CP;
3.1.7. Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ nội quy sử dụng dịch vụ Internet tại địa điểm cung cấp dịch vụ theo quy định:
Điểm này đã được quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 97, trong đó: “Nội quy này phải ghi đầy đủ và rõ ràng các điều cấm đã được quy định tại Điều 6 Nghị định 97; các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ Internet tại Điều 12 Nghị định 97”;
Áp dụng xử lý vi phạm “hành vi không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ nội quy sử dụng dịch vụ Internet tại địa điểm cung cấp dịch vụ theo quy định” tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP.
3.2. Nhóm hành vi vi phạm về nghĩa vụ của các đại lý trong quá trình kinh doanh dịch vụ:
3.2.1. Để khách hàng sử dụng dịch vụ ngoài giờ quy định:
Thời gian cung cấp dịch vụ được quy định từ 6h ÷ 23h hàng ngày đối với đại lý Internet có cung cấp trò chơi trực tuyến (quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA); Và đại lý Internet “Được phép kinh doanh tại địa điểm kinh doanh của đại lý Internet từ 6 giờ đến 24 giờ hàng ngày” (quy định tại khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT);
Quy định xử lý vi phạm tại mục d khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
3.2.2. Không cung cấp đầy đủ số liệu về cấu hình kỹ thuật, sơ đồ kết nối lưu lượng thông tin trong phạm vi quản lý của đại lý một cách trung thực, chi tiết cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu:
Tham chiếu chi tiết tại khoản 6 mục III Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT và áp dụng xử lý vi phạm theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
3.2.3. Để người sử dụng dịch vụ vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet:
Tham chiếu quy định trước đây tại khoản 2 mục III Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT: “Hướng dẫn và kiểm tra người sử dụng tuân thủ các qui định về sử dụng dịch vụ Internet; Có biện pháp đề phòng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các khách hàng có hành vi vi phạm nội qui của đại lý và qui định của pháp luật về Internet”;
Các hành vi bị cấm trong cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet đã được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 97. Riêng đối với hành vi quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 6 Nghị định 97, cụ thể là: “cài đặt, sử dụng, truyền đưa các chương trình phần mềm Auto Play không được doanh nghiệp Online Game cho phép sử dụng, virus, hack Online game, hack mật khẩu, mã khóa chương trình... ” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu “Đưa nội dung thanh tra về cung cấp Online Game vào nội dung thanh tra việc chấp hành pháp luật về Internet tại các đại lý Internet trong các đợt thanh tra” vào chương trình công tác thanh tra các tháng cuối năm 2008 và năm 2009, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong dịch vụ trò chơi trực tuyến tại văn bản số 2967/BTTTT-TTra ngày 17/09/2008 về việc tăng cường ngăn chặn hack Online game và nhắn tin lừa đảo;
Đối với hành vi này, quy định tại mục c khoản 3 Điều 9 Nghị định 97 đã nêu rõ, đại lý Internet có nghĩa vụ: “Từ chối cung cấp dịch vụ đối với người sử dụng vi phạm Điều 6 Nghị định 97”, việc xử lý vi phạm đối với chủ đại lý, điểm truy nhập Internet được áp dụng theo mục a khoản 3 Điều 10 Nghị định 28/2009/NĐ-CP;
Rất mong các thông tin trong bài viết sẽ giúp ích cho các bạn muốn tham khảo về các quy định và việc áp dụng quy định xử lý vi phạm hành chính trong cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet!
Cập nhật bởi haminhgiap vào lúc 13/04/2009 23:14:18
Cập nhật bởi haminhgiap vào lúc 13/04/2009 23:16:32
Cập nhật bởi haminhgiap vào lúc 13/04/2009 23:19:06