Với vướng mắc trên, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình bạn:
Trong trường hợp gia đình bạn không có bất cứ giấy tờ gì về nguồn gốc đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 như Bằng khoán đất, bằng khoán điền thổ,… thì gia đình bạn vẫn có thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai năm 2013, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai năm 2013 nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, cho dù gia đình bạn có các giấy tờ về nguồn gốc sử dụng đất hay không thì để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình bạn phải đáp ứng điều kiện sử dụng đất ổn định lâu dài.
Căn cứ sử dụng đất ổn định lâu dài được xác định theo quy định tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ – CP, cụ thể:
“Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định
1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận)...”
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin, mảnh đất này thuộc về ông bà bạn trước đó nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bố bạn đã cho người khác mượn, mà không có giấy tờ về việc mượn đất và người mượn đất đã sử dụng liên tục đến nay. Trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ – CP thì gia đình bạn không đáp ứng yếu tố sử dụng đất ổn định, lâu dài, bởi trên thực tế, gia đình bạn đã không sử dụng mảnh đất này từ khi cho mượn đến nay. Do vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 100, Điều 101 Luật đất đai năm 2013, và Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ – CP, thì dù gia đình bạn đã không đáp ứng đủ điều kiện về việc sử dụng đất ổn định lâu dài, không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ hai, xem xét về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này của gia đình mượn đất.
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ – CP thì gia đình mượn đất của bạn hiện đang sử dụng đất không có giấy tờ về nguồn gốc đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013, cũng không có giấy tờ về việc mượn đất, nhưng đã trực tiếp sử dụng liên tục trên phần đất này từ khi mượn đất đến nay vào một mục đích nhất định, nên gia đình này được xác định là người sử dụng đất ổn định lâu dài. Trường hợp này, gia đình mượn đất của bên bạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 101 Luật đất đai năm 2013 khi đất sử dụng ổn định lâu dài, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch.
Như vậy, nếu bạn muốn đòi lại phần đất mà gia đình bạn đã cho mượn, bạn vẫn có thể làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi lên Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Nếu không hòa giải được, để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi lên Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất hoặc Tòa án cấp huyện để được giải quyết. Trong trường hợp còn thắc mắc hoặc có các trường hợp vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn, các bạn hãy gọi 1900 6280 liên lạc với luật sư để được tư vấn cụ thể hơn nhé.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.