Chặc, mấy bữa nay, báo chí lại tranh cãi cái chuyện “Từ ngày 05/12, sổ đỏ ghi đầy đủ tên thành viên trong gia đình” – rồi người dân phản đối ầm ầm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường phải lên tiếng giải thích. Người đồng ý ủng hộ hai tay, người thì phản đối kịch liệt và cũng có người phân vân, lưỡng lự không biết ủng hộ hay đồng ý (nhưng thực tế vì nhiều lý do sự thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của họ).
Người ủng hộ thì cho rằng việc làm này là tốt, gỡ rối cho những tranh chấp phát sinh trong việc mua bán nhà, đất thuộc sở hữu hộ gia đình khi không được sự đồng ý của các thành viên ngoài chủ hộ mà đối phương không biết và không buộc phải biết về các thành viên này, đây được xem là một trong những rủi ro cho người mua nhà, đất.
Còn phía những người phản đối thì lại cho rằng, việc quy định như vậy, gây rắc rối, thêm phức tạp trong thủ tục, ví dụ như cần bán nhà, thì phải kéo hết những người có tên trong hộ gia đình đứng ra ký tên, chấp thuận việc mua bán này. Nhưng cái này mới là suy nghĩ bề nổi, còn mặt trái khi gặp rủi ro như trên đã nói thì nhóm này chưa nghĩ tới.
Trong tương lai, sẽ bỏ sổ hộ khẩu và thay vào đó là lưu thông tin hộ gia đình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người có quyền truy cập cũng chỉ là cơ quan công quyền, không phải là người dân, do vậy, khó có cơ sở xác định tại hộ gia đình đó, ai là người có quyền sử dụng đất? Dường như chỉ có chủ hộ gia đình được quan tâm nhiều trong các giao dịch dân sự, đặc biệt là giao dịch liên quan đến đất đai, các thành viên còn lại bị lưu mờ quyền và nghĩa vụ của mình.
Để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất thì cần phải ghi nhận đầy đủ thông tin của họ trên sổ đỏ.
Đó là ý chí của các nhà làm luật, thứ nhất, để phòng ngừa các rủi ro từ tranh chấp đã nêu trên, từ đó, hạn chế án phát sinh từ việc này và đỡ đần công việc cho cơ quan tư pháp là Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Thứ hai, là để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các thành viên trong hộ gia đình và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa chủ hộ và các thành viên khác trong hộ gia đình cùng có quyền sử dụng đất.
Tạm dừng câu chuyện sổ đỏ, cách đây vài năm, trước khi Bộ luật dân sự 2015 ra đời, dân mạng cũng tranh luận ầm ầm về cái quyền được chết, người thì bảo không được ban hành là ác với những người đang bệnh nặng, sống dở, chết dở, mong một ngày chết để đỡ đau đớn. Còn người ủng hộ thì cho rằng, cần phải quy định vì nó mang tính nhân văn, nhân đạo cao cả. Và cuối cùng Bộ luật này thông qua đã không có quy định về quyền được chết.
Và còn rất nhiều quy định khác mà người ban hành, cơ quan ban hành đứng tâm điểm ở giữa nhận những búa rìu của dư luận về phản đối, đồng tình. Nhưng dù gì đi nữa, việc ban hành cũng cần dựa trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người dân, của bên yếu thế trong các quan hệ dân sự.
9 người thì 10 ý, mỗi người đều có quan điểm riêng, suy nghĩ riêng, ngay cả 2 người sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm cũng vậy, và một tập thể nhỏ luôn có nhiều ý kiến, nói chi là cả đất nước cả trăm triệu dân làm sao làm hài lòng được tất cả, chỉ có thể định hướng một nguyên tắc khi ban hành rằng đảm bảo quyền lợi của người dân, của bên yếu thế trong các quan hệ, giao dịch dân sự.