Mục tiêu của Chương Viễn thông là giảm thiểu và gỡ bỏ các rào cản tiếp cận thị trường dịch vụ, hạ tầng mạng viễn thông mà có thể ẩn chứa trong các biện pháp quản lý trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông công cộng của các bên được cung cấp dịch vụ và sản phẩm viễn thông đến các thị trường trong khối CPTPP, tạo thuận lợi cho người sử dụng trong việc tiếp cận dịch vụ viễn thông công cộng, đặc biệt là dịch vụ di động thông qua các cam kết liên quan đến chuyển vùng di động quốc tế, tạo điều kiện phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực viễn thông, v.v…
- Đối với dịch vụ cơ bản và giá trị gia tăng không gắn hạ tầng mạng: Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cho phép nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và bãi bỏ các yêu cầu về thành lập và góp vốn trong liên doanh.
- Đối với dịch vụ giá trị gia tăng gắn với hạ tầng mạng: Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cho phép nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài được nâng tỷ lệ vốn góp trong liên doanh từ 51% lên 65%.
- Bán dung lượng cáp quang biển qua trạm cập bờ: cho phép nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép sở hữu tới 100% dung lượng truyền dẫn cáp biển tại trạm cập bờ hệ thống cáp biển được cấp phép tại Việt Nam, và có thể bán cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) đã được cấp phép tại Việt Nam.
Quyền truy cập và sử dụng các dịch vụ viễn thông công cộng:
- Mỗi Bên phải bảo đảm rằng doanh nghiệp của bất kỳ Bên nào đều có thể sử dụng dịch vụ viễn thông công cộng để chuyển thông tin trong lãnh thổ hoặc qua biên giới của mình, bao gồm cả thông tin liên lạc nội bộ công ty, và tiếp cận thông tin có trong các cơ sở dữ liệu hoặc được lưu trữ dưới hình thức đọc được trên máy trong lãnh thổ của bất kỳ Bên nào.
- Một Bên có thể đưa ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh và bảo mật thông tin và để bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân của người sử dụng cuối cùng của mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng, miễn là những biện pháp này không được áp dụng để nhằm mục đích tạo ra sự phân biệt đối xử tùy tiện hoặc vô lý, hoặc cản trở thương mại dịch vụ một cách trá hình.
- Riêng đối với Việt Nam việc kết nối kênh thuê riêng nói trên phải được sự chấp nhận bằng văn bản của Cục Viễn thông. Trường hợp yêu cầu kết nối bị từ chối thì Cục Viễn thông sẽ có giải thích lý do bằng văn bản cho các bên liên quan. Việt Nam sẽ tiến hành xem xét và rà soát lại thủ tục “chấp nhận” này trong vòng hai năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Quyền tiếp cận hạ tầng mạng và dịch vụ viễn thông của các nhà cung cấp viễn thông công cộng:
- Mỗi Bên phải bảo đảm không áp đặt điều kiện nào đối với việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ và mạng viễn thông công cộng, trừ khi cần thiết để: (a) bảo hộ các trách nhiệm dịch vụ công của các nhà cung cấp mạng và dịch vụ viễn thông công cộng, cụ thể là khả năng cung cấpmạng lưới hoặc dịch vụ của họnói chungchocông chúng; hoặc (b) bảo vệ sự đồng bộ kỹ thuật của các mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng
- Bên cạnh đó, cho phép các nước thành viên CPTPP thành lập liên doanh với mức góp vốn không quá 49% đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản có gắn với hạ tầng mạng. Với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng có gắn với hạ tầng mạng, Việt Nam đồng ý cho phép thành lập liên doanh với mức góp vốn không quá 65% sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Với các dịch vụ không gắn với hạ tầng mạng, mở cửa cho các nước thành viên CPTPP đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực
- Tuy nhiên, Việt Nam cam kết mở cửa hoàn toàn dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng cho nhà đầu tư CPTPP sau 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.
Đảm bảo sự độc lập của cơ quan quản lý viễn thông:
Đảm bảo cơ quan quản lý viễn thông phải độc lập với bất cứ doanh nghiệp viễn thông công cộng nào, cụ thể là không có lợi ích tài chính ở bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các Bên không được thành lập và duy trì các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông mở rộng từ hoạt động kinh doanh viễn thông đổi thành hoạt động viễn thông, nhằm tiếp cận lĩnh vự trên phạm vi rộng hơn để phù hợp, tương thích với các cam kết trong hiệp định CPTPP, kinh doanh viễn thông là một trong những hoạt động viễn thông.
(Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc những thông tin về sự tác động của CPTPP đến hoạt động viễn thông – một trong những nội dung quan trọng mà CPTPP đề cập đến trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng trở nên đa dạng).