Đào tạo nghề cho người lao động đang là một việc cần thiết, phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, quy định của Bộ Luật Lao động đang còn nhiều vướng mắc.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2012 (BLLĐ 2012), người lao động được tự do lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực cũng như nhu cầu của bản thân. Nhưng khi đã làm việc cho một người sử dụng lao động thì bắt buộc họ phải tuân thủ hợp đồng lao động cũng như nội quy, kỷ luật nơi làm việc.
Điều 62 BLLĐ 2012 qui định, người sử dụng lao động có thể đưa người lao động đi đào tạo nghề để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Trên thực tế, không ít các công ty, doanh nghiệp cử nhân viên của mình đi tập huấn, đào tạo không chỉ ở trong nước mà còn có thể là ở nước ngoài. Trong thời gian đào tạo, các chi phí đào tạo sẽ do người sử dụng lao động chi trả.
Đương nhiên, người lao động cũng phải có những nghĩa vụ nhất định. Và những quyền cũng như nghĩa vụ của hai bên được ghi nhận trong hợp đồng đào tạo nghề. Căn cứ khoản 2 Điều 62 BLLĐ 2012, hợp đồng đào tạo nghề bắt buộc phải có nội dung hoàn trả chi phí đào tạo nghề.
Thông thường, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận nghĩa vụ làm việc trong một khoảng thời gian nhất định của người lao động sau khi về nước.
Ví dụ cụ thể: Công ty A cử T đi học bên Úc với chi phí đào tạo là 500 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận, sau khi kết thúc thời gian đào tào, T có nghĩa vụ trở về và làm việc cho công ty A trong thời gian ít nhất 5 năm.
Trên thực tế, không ít các trường hợp sau khi đào tạo trở về, người lao động "quên đi lời hứa xưa", vậy giải quyết thế nào? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự phức tạp.
Theo qui định của pháp luật, Điều 43 BLLĐ 2012, một trong những nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là hoàn trả chi phí đào tạo nghề cho người sử dụng lao động.
Điều đáng chú ý ở đây là luật chỉ qui định nghĩa vụ hoàn trả đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Vậy khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật thì việc hoàn trả chi phí đào tạo sẽ như thế nào? Luật không có câu trả lời.
Theo quan điểm của tôi, hợp đồng đào tạo nghề là sự tự nguyện thỏa thuận của hai bên. Do đó, một khi đã thỏa thuận thì phải thực hiện. Ai làm trái thì phải bồi thường.
Tuy hợp đồng đào tạo nghề được phát sinh trên cơ sở hợp đồng lao động nhưng hai hợp đồng không hề mâu thuẫn, triệt tiêu nhau. Do đó, hợp đồng lao động chấm dứt không làm mất hiệu lực của hợp đồng đào tạo nghề. Do đó, người lao động vẫn phải hoàn trả chi phí đào tạo nghề.
Một vấn đề khác, vậy thì hoàn trả bao nhiêu? Luật cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Như ví dụ ở trên, nếu sau khi đào tạo trở về, T làm việc cho công ty 2 năm, sau đó nộp đơn xin nghỉ việc. Sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Thứ nhất, T đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và trường hợp thứ hai, T đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật. Vậy, việc hoàn trả chi phí đào tạo nghề có gì khác nhau ở hai trường hợp trên? Và mức chi trả được tính như thế nào?
Từ những câu hỏi trên, ta thấy một khe hở của Bộ Luật Lao động. Thực tế sự việc xảy ra, người áp dụng pháp luật không biết triển khai như thế nào.
Thiết nghĩ, cơ quan lập pháp nên có văn bản cụ thể cho vấn đề này hoặc phương án đưa ra một án lệ cũng nên được xem xét.
Minh Trang