Hồ sơ sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng trong cùng một tỉnh, thành phố bao gồm những gì? Thủ tục được thực hiện ra sao?
1. Hồ sơ sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng trong cùng một tỉnh, thành phố bao gồm những gì?
Xe máy chuyên dùng được mua bán, cho, tặng, thừa kế trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu theo quy định.
Tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT có quy định hồ sơ đăng ký sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng trong cùng một tỉnh, thành phố bao gồm:
- Tờ khai đăng ký xe máy chuyên dùng theo mẫu số 2 của Phụ lục 2 được ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGTVT;
- Bản chính giấy tờ xác định quyền sở hữu theo quy định tại Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 19 của Thông tư 22/2019/TT-BGTVT. Cụ thể như sau:
+ Hợp đồng mua bán, cho tặng hoặc văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật;
+ Hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính;
+ Văn bản của cấp có thẩm quyền đồng ý thanh lý xe theo quy định của pháp luật;
+ Văn bản của bên cho thuê tài chính đồng ý cho bên thuê xe máy chuyên dùng được đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật;
+ Quyết định tiếp nhận viện trợ của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
+ Quyết định xuất, bán hàng dự trữ quốc gia của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng đã được cấp (bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).
2. Thủ tục sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng trong cùng một tỉnh, thành phố
Tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT có quy định về trình tự sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng trong cùng một tỉnh, thành phố như sau:
- Chủ sở hữu xe máy chuyên dùng lập 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải nơi xe máy chuyên dùng đã đăng ký;
- Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và có kết quả thông báo cho chủ sở hữu trong thời gian tối đa 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì Sở Giao thông vận tải hướng dẫn chủ sở hữu bổ sung, hoàn thiện lại;
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Sở Giao thông vận tải thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT. Cụ thể như sau:
Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra nội dung hồ sơ và thông báo cho chủ sở hữu trong thời gian tối đa 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
++ Trường hợp hồ sơ đăng ký đầy đủ theo quy định thì Sở Giao thông vận tải có Giấy hẹn kiểm tra theo mẫu số 5 của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGTVT. Thời gian kiểm tra xe máy chuyên dùng không quá 05 ngày kể từ ngày viết giấy hẹn.
Đối với trường hợp xe máy chuyên dùng đang hoạt động, tập kết ngoài địa phương cấp đăng ký thì Sở Giao thông vận tải nhận hồ sơ có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải nơi có xe máy chuyên dùng đang hoạt động, tập kết kiểm tra xe máy chuyên dùng, thời hạn kiểm tra không quá 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
++ Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra xe máy chuyên dùng theo thời gian và địa điểm ghi trong giấy hẹn, việc kiểm tra xe máy chuyên dùng phải lập thành Biên bản kiểm tra xe máy chuyên dùng theo mẫu số 6 của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGTVT.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra: trường hợp kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng theo tên của chủ sở hữu mới, giữ nguyên biển số cũ đã cấp, cắt góc phía trên bên phải Giấy chứng nhận đăng ký của chủ sở hữu cũ, vào Sổ quản lý đăng ký xe máy chuyên dùng. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, hồ sơ, thủ tục sang tên chủ sở hữu xe máy chuyên dùng cùng một tỉnh, thành phố được thực hiện như trên.