Tài sản cố định (TSCĐ) thanh lý là những TSCĐ bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng được, những TSCĐ lạc hậu về kỹ thuật hoặc không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi có TSCĐ cần thanh lý, doanh nghiệp phải ra quyết định thanh lý, thành lập Hội đồng thanh lý TSCĐ.
Hội đồng thanh lý TSCĐ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc thanh lý TSCĐ theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong chế độ quản lý tài chính và lập biên bản thanh lý TSCĐ theo quy định.
Cụ thể, về hồ sơ và thủ tục mà doanh nghiệp cần phải thực hiện khi thanh lý TSCĐ, gồm:
Bước 1: Lập đơn đề nghị thanh lý tài sản cố định
Căn cứ vào kết quả kiểm kê tài sản, cũng như quá trình theo dõi, sử dụng TSCĐ tại doanh nghiệp, bộ phận (hoặc phòng ban) có TSCĐ cần thanh lý của doanh nghiệp phải lập đơn đề nghị để trình lãnh đạo công ty phê duyệt. Trong đơn đề nghị đó phải ghi rõ danh mục TSCĐ cần thanh lý.
Bước 2: Đại diện doanh nghiệp ra quyết định thanh lý TSCĐ.
Bước 3: Thành lập hội đồng thanh lý TSCĐ
Hội đồng thanh lý tài sản kiểm tra, đánh giá lại tài sản và có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc thanh lý TSCĐ theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong chế độ quản lý tài sản.
Bước 4: Tiến hành thanh lý TSCĐ
Tùy vào điều kiện và đặc điểm của TSCĐ mà Hội đồng thanh lý TSCĐ trình người đứng đầu doanh nghiệp quyết định hình thức xử lý TSCĐ như bán tài sản, hủy tài sản.
Bước 5: Hội đồng thanh lý TSCĐ sẽ lập biên bản thanh lý tài sản cố định (Tham khảo mẫu số 02–TSCĐ ban hành kèm theo Phụ lục 3 của Thông tư số 200/2014/TT-BTC) sau khi đã tiến hành thanh lý.
Lưu ý: Đối với các TSCĐ là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế quản lý, khai thác, sử dụng khi thanh lý phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và được hạch toán giảm vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư 200/2014/TT-BTC;
- Thông tư 147/2016/TT-BTC.