Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
1. Quy định của pháp luật về căn cứ tuyển dụng viên chức
Hiện nay, tại Điều 4 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 Nghị định Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có quy định căn cứ tuyển dụng viên chức, cụ thể:
- Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Như vây, theo quy định của pháp luật hiện nay, việc tuyển dụng viên chức, trước tiên phải xác định dựa trên nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức phê duyệt hoặc quyết định theo thẩm quyền để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng. Nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm:
+ Số lượng người làm việc được giao và số lượng người làm việc chưa sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức;
+ Số lượng viên chức cần tuyển ở từng vị trí việc làm;
+ Số lượng vị trí việc làm cần tuyển đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển;
+ Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm;
+ Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển;
+ Các nội dung khác (nếu có).
2. Hồ sơ dự tuyển viên chức mới nhất
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 115/2020/NĐ-CP có quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả trúng tuyển, người trúng tuyển phải đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng.
Về thành phần hồ sơ tuyển dụng, theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
- Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có); Trường hợp người trúng tuyển có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp
Như vậy, theo quy định hiện nay, hồ sơ dự tuyển viên chức cần phải có bản sao các văn bằng, chúng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, nếu thuộc đối tượng ưu tiên, cần có chứng nhận đối tượng ưu tiên và phải có phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp. Từ đây có thể thấy, tùy vào vị trí tuyển dụng mà hồ sơ dự tuyển yêu cầu những giấy tờ, tài liệu khác nhau.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 115/2020/NĐ-CP có quy định, trường hợp người trúng tuyển không hoàn thiện đủ hồ sơ tuyển dụng theo quy định hoặc có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc bị phát hiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia dự tuyển thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ra quyết định hủy kết quả trúng tuyển. Trường hợp người đăng ký dự tuyển có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia dự tuyển thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng thông báo công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và không tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển trong một kỳ tuyển dụng tiếp theo.