Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được quy định như sau.
(1) Điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định mới nhất như thế nào?
Căn cứ Khoản 2 Điều 22 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định tổ chức không phải là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi đáp ứng đầy đủ và phải đảm bảo duy trì đủ các điều kiện sau đây trong suốt quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cụ thể:
- Về Giấy phép: Có giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành trong quá trình đề nghị cấp Giấy phép.
Trường hợp cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, tổ chức phải đảm bảo không kinh doanh ngành nghề khác ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Về vốn điều lệ: Vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp phải (đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn đã góp hoặc vốn được cấp):
+ Tối thiểu 50 tỷ đồng với dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu/chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử.
+ 300 tỷ đồng đổi với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử.
- Có Đề án cung ứng dịch vụ được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt theo Mẫu số 08 được ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP.
- Về nhân sự:
+ Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (giám đốc): Phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, CNTT và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định. Bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
Trường hợp này thì khi xuất cảnh khỏi Việt Nam thì người này phải có ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác tại Việt Nam để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
+ Phó Tổng giám đốc (phó giám đốc) và các cán bộ chủ chốt như trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật: Phải có bằng cao đẳng trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, CNTT hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm.
- Có bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật phục vụ cho ung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề nghị cấp Giấy phép được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt đáp ứng yêu cầu về an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định.
Đối với đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử và dịch vụ hỗ trợ thu/chi hộ cho các khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ phải được một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử được NHNN cấp phép để thực hiện chuyển mạch giao dịch tài chính và xử lý bù trừ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức.
- Trường hợp là dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử thì ngoài các điều kiện quy định như đã nêu trên, tổ chức cung ứng phải:
+ Được 01 tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan.
+ Có thỏa thuận kết nối với ít nhất 50 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tổng vốn điều lệ trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chêm chèn 65% tổng vốn điều lệ của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hệ thống các tổ chức tín dụng và ít nhất 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
+ Có cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng tối thiểu theo yêu cầu về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 4 theo quy định.
+ Đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống kỹ thuật của tổ chức tham gia có thỏa thuận kết nối.
+ Có hệ thống máy chủ thực hiện theo quy định và đáp ứng được năng lực xử lý tối thiểu là 10 triệu giao dịch thanh toán/ngày.
Tuy nhiên, tại đây cũng cần lưu ý: Không được kết nối với quá 02 tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hay dịch vụ bù trừ điện tử.
- Trường hợp là dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, tổ chức cung ứng dịch vụ phải:
+ Có Giấy phép còn hiệu lực.
+ Được 01 tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan.
+ Có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn kết nối các hệ thống thanh toán quốc tế để thực hiện chuyển mạch tài chính các giao dịch thanh toán quốc tế.
+ Có quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ kỹ thuật đối với dịch vụ đề nghị cấp phép và tổ chức vận hành hệ thống kết nối với tổ chức cung ứng dịch vụ phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.
Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian cần phải đáp ứng được đầy đủ những điều kiện nêu trên.
(2) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về những giấy tờ có trong hồ sơ mà tổ chức cung ứng cần chuẩn bị bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo Mẫu số 07 được ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP.
- Nghị quyết của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, văn bản của người đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều lệ công ty về việc thông qua Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật.
- Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo Mẫu số 08 được ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP.
- Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật.
- Hồ sơ về nhân sự: Trong đó bao gồm:
+ Sơ yếu lý lịch theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP.
+ Bản sao các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những đối tượng như đã có nêu tại mục (1).
+ Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương của người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) theo quy định của pháp luật (trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 tháng).
+ Văn bản của người đại diện có thẩm quyền của đơn vị nơi người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) đã hoặc đang làm việc xác nhận chức vụ và thời gian đảm nhiệm chức vụ hoặc bản sao văn bản chứng minh chức vụ và thời gian đảm nhiệm chức vụ tại đơn vị của người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc).
- Bản sao các tài liệu chứng minh tổ chức đề nghị cấp Giấy phép được thành lập và hoạt động hợp pháp, bao gồm:
+ Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giày tờ có giá trị tương đương.
+ Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức.
+ Giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).
- Văn bản cam kết và tài liệu chứng minh của chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập của tổ chức về việc đàm bảo duy trì giá trị thực có của vốn điều lệ.
Trường hợp cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính hay bù trừ điện tử thì bổ sung thêm phương án được 01 tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan theo Mẫu số 08 được ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP và văn bản thỏa thuận kết nối với các tổ chức tham gia, có nội dung cam kết không được kết nối quá 02 tổ chức.
Trường hợp là dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế thì bổ sung: Quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn hệ thống thanh toán quốc tế để kết nối thực hiện chuyển mạch tài chính các giao dịch thanh toán quốc tế quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ với các biện pháp quản lý rủi ro đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế đề nghị cấp phép. Bản sao tài liệu chứng minh tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài. Phương án được 01 tổ chức thực hiện quyết toán kết quá bù trừ giữa các bên liên quan.
(3) Thời hạn của Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là bao lâu?
Theo Khoản 5 Điều 24 Nghị định 52/2024/NĐ-CP có quy định về thời hạn của Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như sau:
“Thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép là 10 năm tính từ ngày tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép. Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, thời hạn hoạt động không được vượt quá thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính.”
Như vậy, Giấy phép hoạt động có thời hạn là 10 năm, đối với trường hợp đơn vị cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế thì thời hạn hoạt động không được vượt quá thời hạn hoạt động ghi trên Giấy phép.