Đối với những người điều kiển phương tiện giao thông đường bộ phải chấp hành quy tắc, biển báo hiệu giao thông trên đường, cũng như việc dừng, đỗ phương tiện phải đúng nơi quy định.
Nguồn: Internet
Việt Nam ta đa số người dân đều sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Theo thông tin của Báo Nhân dân đăng vào ngày 27/7/2020, thống kê mới nhất cho thấy, chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý 8.109.304 phương tiện, gồm 763.470 xe ô-tô và 7.345.834 xe mô-tô. Số lượng xe mô tô cao hơn nhiều so với xe ô tô.
Việt Nam quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn. Vì thế không khó để bắt gặp những trường hợp người dân dừng xe tại bóng râm để tránh nắng, tạo khoảng cách xa so với vạch dừng xe để chờ tín hiệu đèn giao thông. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT có quy định:
“Vạch 7.1: Vạch dừng xe
Ý nghĩa sử dụng: dùng để xác định vị trí dừng xe để chờ tín hiệu cho phép đi tiếp. Vạch dùng để xác định vị trí người điều khiển phương tiện phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc khi có biển số R.122. Vạch cũng dùng để xác định vị trí người điều khiển phải dừng lại trong các điều kiện nhất định ở một số vị trí như: trên nhánh dẫn tới nút giao cùng mức với đường sắt, trên làn chờ rẽ trái trong phạm vi nút giao, trước vị trí vạch người đi bộ qua đường.”
Vì vậy khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển phương tiện giao thông phải dừng xe trước vạch 7.1. Bên cạnh đó những trường hợp dừng, đỗ xe trong bóng râm sẽ bị xem như dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị và bị xử phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.