Hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung.
Căn cứ khoản 1,2 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung 2020:
- Hình thức xử phạt chính bao gồm:
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền;
- Hình thức xử phạt có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình phạt bổ sung bao gồm:
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
+ Trục xuất.
Căn cứ khoản 3 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
[...]
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 21 như sau:
“3. Mỗi vi phạm hành chính được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo.
Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này.”.
Theo đó, mỗi hành vi vi phạm chỉ được áp dụng một hình thức xử phạt chính và một hay nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Đồng thời, hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, trừ các trường hợp sau:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
33. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 65 như sau:
“2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.”.”
Theo đó, những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm:
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
- Người thực hiện hành vi không có năng lực trách nhiệm hành chính hoặc chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
- Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, về bản chất việc áp dụng các biện pháp bổ sung chỉ là những biện pháp nhằm khắc phục hậu quả mà không bị coi là hình thức xử phạt chính có thể hiểu rằng hành vi đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.