QUAN ĐIỂM CỦA TÔI NHƯ SAU
1- Đối với tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”
Căn cứ mà A92 Bộ công an khởi tố bị can đối với Võ Thái Bình là đơn tố cáo của ông Cao Văn Phú đối với ông Võ Thái Bình. Theo đơn tố cáo, ông Cao Văn Phú cho rằng khi là giám đốc công ty Cao Phú Thịnh đã nhờ ông Võ Thái Bình đứng tên một số tài sản là bất động sản gồm: Nhà xưởng diện tích 4.698,1m2 ; Nhà xưởng diện tích 818,7m2 ; Thửa đất diện tích 2.296m2 (tất cả đều đứng tên Võ Thái Bình) do ông Bình là nhân viên của ông Phú. Năm 2007, ông Bình ký hợp đồng thế chấp 02 nhà xưởng diện tích 4.698,1m2 và 818,7m2 bảo lãnh cho công ty Cao Phú Thịnh của ông Phú vay 20.000.000.000 đồng tại Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Hóc Môn. Năm 2009, ông Phú trả một phần tiền và được Ngân hàng giải chấp giấy tờ nhà xưởng 818,7m2, ông Phú yêu cầu ông Bình làm thủ tục sang tên cho người mà mua nhà xưởng này của ông Phú nhưng ông Bình không sang tên mà sử dụng giấy tờ nhà xưởng này thế chấp vay tiền ngân hàng ACB số tiền 3,2 tỷ đồng đến nay chưa thanh toán được. Tháng 10/2010, ông Phú phát hiện ông Bình lập hồ sơ cớ mất giấy tờ thửa đất 2.296m2 tại phường Thới An xin UBND quận 12 cấp lại giấy tờ nhằm chiếm đoạt thửa đất này.
tôi cho rằng nếu chỉ căn cứ vào nội dung đơn tố cáo của ông Phú như trên, không xem xét lời khai phíai Bình thì nội dung trên cũng hoàn toàn là vấn đề dân sự, không có dấu hiệu nào của tội lạm dụng tín nhiệm tài sản. Bởi lẽ:
i./Theo quy định tại điều 140 BLHS: hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gồm :
“a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Ở đây, tôi chưa bàn đến chứng cứ chứng minh tài sản thuộc quyền sở hữu của ai. Nếu có sự việc ông Bình được ông Phú nhờ đứng tên giùm tài sản bằng hợp đồng miệng, ông Bình có hành vi nào được xem là thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hay không? hoặc có sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản không?
- Rõ ràng ông Bình có nhà cửa, nơi thường trú, nơi cư trú rõ ràng, không có hành vi bỏ trốn.
- Hành vi làm đơn cớ mất xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tiến hành theo đúng trình trự thủ tục pháp luật quy định là làm đơn báo mất, sau đó phải đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng và được niêm yết công khai trong một khoảng thời gian nhất định trước khi được duyệt cấp lại, do vậy cũng không thể xem là gian dối. Thực tế là việc đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông Phú biết và làm đơn xin ngăn chặn để tranh chấp.
- Ông Bình sử dụng nhà xưởng 818,7m2 thế chấp vào ngân hàng Á Châu vay tiền 3,2 tỷ đồng để kinh doanh, việc thế chấp vay tiền ngân hàng là một việc được pháp luật cho phép, có hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản được công chứng hợp pháp, được đăng ký giao dịch đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, mục đích vay tiền là để kinh doanh cũng không trái pháp luật. Việc vay tiền ngân hàng là quan hệ dân sự, thực tế Tòa án nhân dân quận 12 đã giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự và đã có quyết định thi hành án dân sự nhưng chưa thể thi hành được do tranh chấp của ông Phú gây ra.
ii./ Về hành vi chiếm đoạt:
- Khái niệm: Chiếm đoạt tài sản là hành vi nắm giữ, quản lý trái phép tài sản của người khác và đã tạo cho mình khả năng định đoạt, sử dụng trái pháp luật tài sản đó. Nói cách khác, chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch, đoạt lấy, chiếm lấy tài sản của người khác trái pháp luật để nắm giữ, quản lý, sử dụng, định đoạt.
- Tài sản được coi là bị chiếm đoạt ở đây là các nhà xưởng và thửa đất, là loại tài sản đặc biệt (bất động sản) không thể di dời, dịch chuyển được như các tài sản thông thường. Các tài sản này tồn tại hiện hữu, hiện đang đứng tên ông Bình, nếu có sự chuyển dịch về quyền sở hữu tài sản thì chỉ có sự chuyển dịch trên giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất. Trong trường hợp này, các tài sản vẫn còn nguyên hiện trạng, không hề có sự chuyển dịch nào trên giấy tờ pháp lý nên không thể có sự “chiếm đoạt” ở đây.
Bản chất của vấn đề ở đây là tranh chấp về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất là một vấn đề dân sự, việc giải quyết tranh chấp này phải được tiến hành theo trình tự thủ tục quy định cụ thể trong luật tố tụng dân sự.
iii./ Về sự thật khách quan: quá trình tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Võ Thái Bình từ khi bị ông tố cáo đến nay, tôi đã tiếp cận các tài liệu chứng cứ mà ông Bình đã cung cấp cho cơ quan điều tra, nhận thấy đủ cơ sở chứng minh các tài sản nêu trên thuộc sở hữu của ông Bình. Việc ông Phú cho rằng đã nhờ ông Bình đứng tên tài sản là không có căn cứ và không có cơ sở để chứng minh. Ông Bình trình bày là mua lại tài sản này từ ông Phú theo phương thức ông Phú sẽ lo thủ tục ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Bình. Việc này là có căn cứ chứng minh:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liện với đất được UBND thẩm định cấp tên cho ông Võ Thái Bình.
- Tiền nộp thuế trước bạ, thuế sử dụng đất ông Bình phải nộp và đã nộp vào ngân sách nhà nước cho các tài sản này hơn một tỷ đồng, trong đó, do ông Phú làm thủ tục miễn giảm thuế không hợp lệ khiến ông Bình bị truy thu số tiền thuế lên đến hơn 800.000.000đồng.
- Việc bàn giao các tài sản chuyển nhượng khi ông Phú đang cho thuê sang chủ sở hữu mới là ông Bình tiếp tục cho thuê có những đơn vị thuê xưởng là người làm chứng.
- Ông Bình cho thuê nhà xưởng có xuất hóa đơn thu phí hợp lệ và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước (thuế VAT và thuế thu nhập) từ việc cho thuê nhà xưởng này.
- Ông Bình có chứng từ chứng từ về việc chi phí xây dựng nhà xưởng (hóa đơn mua vật tư), giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế, chứng nhận thẩm định phòng cháy chữa cháy, hợp đồng bảo hiểm… để chứng minh quyền sở hữu đối với nhà xưởng 818,7m2.
iv./ Cùng nội dung đơn tố cáo nêu trên, cơ quan CSĐT CATP sau khi điều tra xác minh đơn thư tố cáo của ông Phú đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
VKSND Tp.HCM có kết luận kiểm tra nội dung :Việc tranh chấp quyền sử dụng 03 lô đất có diện tích 4.698,1m2, 818,7m2 và 2.296m2 giữa ông Phú và ông Bình chỉ mang tính chất dân sự, nên không có sự việc phạm tội. và kết luận : Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQ CSĐT CATP là có căn cứ, đúng pháp luật…”
Do vậy, tôi cho rằng việc Cơ quan an ninh điều tra khởi tố bị can đối với ông Võ Thái Bình là cố tình “hình sự hóa” vấn đề dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất thành vụ án hình sự. Việc này là có căn cứ , bởi vì: Cơ quan ANĐT khi tiếp nhận đơn tố cáo của ông Phú đã trái pháp lệnh điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra, biết rõ cowquan điều tra khác đã ra quyết định không khởi tố vụ án, mặc dù không có cơ sở chứng minh cho việc ông Phú nhờ ông Bình đứng tên giùm tài sản nhưng vẫn suy luận một cách chủ quan, duy ý chí và khởi tố một cách thiếu căn cứ.
2- Đối với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”:
Căn cứ mà ANĐ khởi tố ông Bình về tội danh này là đơn của ông Hoan là cán bộ VKSND tỉnh Tây Ninh tố cáo ông Bình. Nội dung đơn tố cáo thể hiện: ông Bình bán cho ông Hoan căn nhà số 17A9 với giá 700.000.000 đồng, sau khi nhận đủ tiền mua nhà, ông Bình giao nhà cho ông Hoan, hứa làm thủ tục sang tên căn nhà cho ông Hoan nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện mà sử dụng giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng vay tiền và chiếm đoạt tiền mua nhà của ông Hoan.
tôi cho rằng ở đây không có dấu hiệu hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi lẽ:
“ Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm……”
i./ Về thủ đoạn gian dối: Ông Bình có dùng thủ đoạn gian dối khi bán nhà cho vợ chồng ông Trần Văn Hoan hay không?
Tại thời điểm mua bán nhà, ông Bình là chủ sở hữu 02 căn nhà số 17A9 và 17/11 (02 căn nhà liền kề nhau) theo giấy chứng nhận QSHNƠ đứng tên ông Bình và ông Bình đang thế chấp trong ngân hàng để vay tiền. Mặc dù ông Hoan cho rằng không biết khi mua nhà, giấy tờ nhà đang thế chấp trong ngân hàng nhưng ông Bình đã chứng minh được rằng ông Hoan biết giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà 17A9 đang thế chấp trong ngân hàng là do không phải ông Hoan mua một căn nhà 17A9 mà ông Hoan mua của ông Bình cả 02 căn nhà nêu trên, trong đó căn nhà 17/11 ông Hoan có ghi xác nhận khi nào ông Bình rút toàn bộ giấy tờ nhà ra xong, công chứng xong sẽ trả 400.000.000đồng cho bên bán (xác nhận cam kết khi ông Hoan bán sang tay căn nhà đã mua cho người khác). Do vậy giao dịch mua bán nhà giữa ông Bình và ông Hoan hoàn toàn không có gian dối.
ii./ Về hành vi chiếm đoạt tài sản: Có hay không việc chiếm đoạt tài sản của ông Hoan?
Ông Bình và ông Hoan mua bán 02 căn nhà cạnh nhau, cùng diện tích, cùng thiết kế, mua bán cùng thời điểm nhưng giá mua bán khác nhau là do hai bên có thỏa thuận: căn nhà 17/11 ông Hoan yêu cầu giải chấp sang tên ngay thì thỏa thuận giá mua bán là 850.000.000 đồng, sau đó ông Hoan bán cho người khác kiếm lời, ông Bình thực hiện giải chấp giấy tờ và sang tên cho người mua theo đúng yêu cầu của ông Hoan.
Đối với căn nhà 17A9 giữa ông Hoan và ông Bình thỏa thuận mua bán với giá 700.000.000đồng thấp hơn giá căn nhà 17/11 số tiền 150.000.000 đồng, ưu đãi cho ông Hoan đã trả tiền mua nhà làm nhiều lần và ông Bình đã ký biên bản bàn giao nhà từ ngày 07/7/2008 khi chưa nhận đủ tiền nhà. Bù lại, ông Bình có thể giữ nguyên việc thế chấp giấy tờ căn nhà trong ngân hàng, khi nào điều kiện kinh tế thuận lợi sẽ giải chấp và sang tên cho ông Hoan sau. Trong thỏa thuận này có thể nhận thấy rõ: ông Hoan đã “bán” cho ông Bình quyền được thế chấp giấy tờ căn nhà 17A9 đã bán cho ông Hoan để vay tiền ngân hàng đến khi nào có điều kiện trả tiền tất toán khoản vay với giá tiền là 150.000.000 đồng.
Như vậy, tài sản của ông Hoan là căn nhà 17A9 ông Hoan đã nhận, đã quản lý, sử dụng để ở, sau đó cho thuê để thu lợi. Tài sản này cho đến nay vẫn thuộc quyền quản lý của ông Hoan, nếu nói rằng ông Bình chiếm đoạt tài sản của ông Hoan là chiếm đoạt tài sản nào? ông Bình không chiếm đoạt 700.000.000 đồng tiền mua nhà của ông Hoan vì số tiền này theo thỏa thuận mua bán đã là tài sản của ông Bình. Ông Bình chưa làm thủ tục sang tên căn nhà cho ông Hoan không có nghĩa là chiếm đoạt tài sản của ông Hoan. Việc ông Bình chuyển khoản vay tại ngân hàng lúc đầu với lãi cao sang ngân hàng khác với lãi suất thấp thì ông Hoan buộc phải biết việc này do tại thời điểm thẩm định tài sản ông Hoan đang quản lý và sử dụng căn nhà này (ông Bình cho biết đã được ông Hoan đồng ý như đã thỏa thuận nêu trên). Hợp đồng tín dụng này cũng đã được giải quyết bằng vụ án dân sự, có quyết định thi hành án và ông Bình cũng đã cam kết sẽ thanh toán tiền cho ngân hàng, yêu cầu không phát mãi căn nhà nhằm đảm bảo quyền lợi cho ông Hoan, việc này càng chứng minh ông Bình không chiếm đoạt và không có ý thức chiếm đoạt tài sản của ông Hoan.
Việc ông Hoan đòi ông Bình tiến hành thủ tục sang tên giấy tờ căn nhà 17A9 cho ông Hoan chỉ là một quan hệ dân sự. Bản thân ông Hoan là cán bộ VKS, cùng vợ là cán bộ Cục THADS đều hiểu rõ pháp luật nhưng vẫn cố tình tố cáo theo hướng muốn hình sự hóa vụ án dân sự, tố cáo không trung thực về giao dịch mua bán nhà với ông Bình. Cơ quan ANĐT cũng đã đã cố tình hình sự hóa yêu cầu dân sự thành hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi chỉ dựa vào lời khai một phía không trung thực của ông Hoan mà lờ đi cả các dấu hiệu cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối và không có chiếm đoạt tài sản như tôi phân tích ở trên.
KÍNH MONG CÁC BÁC LUẬT SƯ LÃO LUYỆN GÓP Ý THÊM