Hiệu trưởng Đại học và Giám đốc Đại học
Theo cách hiểu thông thường, một trường học sẽ có người đứng đầu là hiệu trưởng. Tuy nhiên, chắc hẳn nhiều người đã từng nghe qua cụm từ “Giám đốc đại học…”, vậy chức vụ Giám đốc đại học và Hiệu trưởng đại học khác nhau như thế nào?
Phân loại cơ sở giáo dục đại học
Để hiểu được vì sao lại có cả chức vụ Hiệu trưởng lẫn Giám đốc Đại học, trước tiên ta cần hiểu cách phân loại các trường đại học tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
- Đại học, trường đại học
- Cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong số các trường đại học, lại có 2 đối tượng đặc biệt khác là Đại học quốc gia và Đại học vùng, có chức năng thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Cơ sở đại học lại bao gồm cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động, là đại diện chủ sở hữu và cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động. (Khoản 1, 2 Điều 7 Luật giáo dục đại học 2012, sửa đổi, bổ sung 2018)
Đại học nào có giám đốc, đại học nào có hiệu trưởng?
Trước hết, chúng ta đã biết đại học tư thục là những đại học do các nhà đầu tư thành lập. Để được cho phép thành lập đại học tư thục, chủ đầu tư cần đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục tại Điều 87, 88 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (sửa đổi bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP)
Theo quy định tại các văn bản này, việc thành lập trường đại học tư thục có thể được hiểu là đầu tư vào ngành giáo dục. Nếu một doanh nghiệp muốn thành lập trường đại học, họ cần đáp ứng những yêu cầu quy định tại Nghị định 46, sau đó doanh nghiệp này sẽ được phép mở thêm một hoạt động kinh doanh dưới hình thức đại học tư thục.
Mỗi doanh nghiệp đều có những chức vụ đứng đầu, sau khi thành lập đại học, người đứng đầu doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể trở thành người đứng đầu trường đại học đó - lúc này ta sẽ có chức vụ "Giám đốc trường đại học".
Ngoài ra, trường Đại học quốc gia và Đại học vùng là những đại học đặc biệt của Nhà nước, vì vậy pháp luật dành ra những quy định riêng để điều chỉnh hoạt động của hai loại đại học này.
Đối với Đại học quốc gia, tại Điều 5 Nghị định 186/2013/NĐ-CP có quy định chi tiết các thành viên của Hội đồng Đại học Quốc gia, trong đó Giám đốc đại học là người đứng đầu của Hội đồng này. Chức vụ Hiệu trưởng sẽ dành cho người đứng đầu các đại học thành viên của Đại học quốc gia.
Đối với Đại học vùng, Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BGDĐT có quy định cơ cấu của Đại học này, trong đó gồm Hội đồng đại học vùng và giám đốc đại học vùng.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản, Đại học Quốc gia, Đại học vùng là những Đại học công lập có Giám đốc là người đứng đầu, các trường đại học công lập khác đều có Hiệu trưởng. Đối với các trường Đại học tư thục, người đứng đầu có thể là Hiệu trưởng hoặc Giám đốc tùy vào quy định của chủ đầu tư.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 18/01/2021 09:44:53 SA