Luật Hôn nhân gia đình được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 có nhiều quy định liên quan đến các loại giao dịch liên quan đến hôn nhân và gia đình như:
-Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
- Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
- Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung;
- Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng;
- Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
- Văn bản xác nhận tài sản riêng của vợ chồng.
Các hành vi nêu trên, về hình thức, Luật Hôn nhân và gia đình đều có quy định phải lập thành văn bản có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Mặt khác, văn bản thỏa thuận của vợ chồng còn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, nếu thỏa thuận có vi phạm các quy định của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì văn bản thỏa thuận đó sẽ bị vô hiệu.
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng. Việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung được quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Trước đây, Luật Hôn nhân và gia đình 2000 có quy định việc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng.
Tuy nhiên, cụm từ “khối tài sản” ở đây có nghĩa là bao gồm nhiều tài sản, nhiều tài sản gộp lại mới trở thành khối tài sản. Vợ hoặc chồng có thể có một hay nhiều tài sản, tài sản có thể là bất động sản hoặc động sản. Nếu tài sản là bất động sản thì theo quy định mỗi ngôi nhà được cấp giấy chứng nhận riêng cho chủ sở hữu, chẳng hạn, người vợ đứng tên sở hữu toàn bộ ngôi nhà nay muốn nhập tài sản riêng là ngôi nhà đó vào khối tài sản chung của vợ chồng thì nhập vào đâu? Nhập vào khối tài sản chung nghĩa là vợ chồng phải có khối tài sản sẵn trước để vợ/chồng nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản đó. Đối với bất động sản thì mỗi ngôi nhà, mỗi thửa đất được cấp giấy chứng nhận riêng nên khi nhập vào tài sản chung cũng là cùng đứng tên trên giấy chứng nhận. Nay, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã có quy định: nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng. Như vậy mới phù hợp với các quy định của các ngành luật khác.
Ví dụ: Tài sản riêng của vợ hoặc chồng là ngôi nhà do được thừa kế riêng, được tặng cho riêng nay vợ/chồng đem ngôi nhà thuộc sở hữu riêng của mình vào tài sản chung của vợ chồng để trở thành đồng chủ sở hữu của cả 2 vợ chồng. Về mặt pháp lý: người chủ sở hữu đối với tài sản đó là người được cơ quan cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu. Vì vậy, nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung của vợ chồng chính là việc trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sẽ ghi tên cả hai vợ chồng để vợ chồng có toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt ngôi nhà đó.
Đặc thù của loại văn bản này là chứng nhận hành vi nhập tài sản riêng của vợ/chồng vào tài sản chung nên vợ hoặc chồng (người nhập tài sản) bắt buộc phải có tài sản riêng. Tài sản riêng là bất động sản phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định. Tài sản đó không có tranh chấp, khiểu kiện; không bị kê biên để thi hành án, không bị thông báo phá dỡ theo quy định… Nếu tài sản là động sản phải thực hiện đăng ký theo quy định thì tài sản đó phải được cấp giấy chứng nhận sở hữu như ô tô, xe máy, tàu, thuyền,…
(Nguồn tham khảo: Tổng hợp)