Hiện nay, các ứng dụng cho vay tiền trực tuyến phát triển rầm rộ và thu hút nhiều người tham gia. Chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể dễ dàng tải các ứng dụng này về sử dụng. Cách thức sử dụng cũng hết sức đơn giản, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, thông tin một số giấy tờ như hộ khẩu, bằng lái xe, chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, ảnh cá nhân là đã có thể vay tiền mà không cần gặp mặt cũng như chứng từ nào cả. Do đó, những ứng dụng này thường đánh đúng tâm lý của người sử dụng là cần tiền, không muốn thủ tục rườm rà. Từ đó, thu lợi bất chính.
Điều mà nhiều người quan tâm khi vay tiền chắc chắn là lãi suất cho vay. Đối với vay tiền ứng dụng, thông thường trc khi đăng ký thông tin thì lãi suất mà ứng dụng thông báo là tương đối thấp, thậm chí thấp hơn lãi suất ngân hàng nên dễ đánh lừa người khác. Nhưng chỉ khi thực hiện xong tất cả các bước vay cần làm trên ứng dụng thì lãi suất thực tế mới xuất hiện hoặc số tiền thực nhận sẽ thấp hơn số tiền vay với lý do khấu trừ phí dịch vụ, phí bảo hiểm ..... Tính tất cả chi phí thì lãi suất thực tế có thể cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Thậm chí có những ứng dụng lãi suất có thể lên đến 600-700%/năm nếu tính thêm tiền phạt chậm trả.
Giao diện một app cho vay (theo báo Tuổi trẻ)
Tương tự như cho vay tín dụng đen, nếu bên vay trả nợ không đúng hạn thì sẽ gặp những rắc rối khôn lường. Người đứng sau những ứng dụng này sẽ dùng đủ mọi thủ đoạn để đòi tiền như gọi điện hăm dọa, đăng thông tin cá nhân lên mạng xã hội gắn thêm mác lừa đảo cho người vay hay dùng vũ lực nếu các biện pháp trên không hiệu quả vì mọi thông tin cá nhân của người vay bọn chúng đều nắm rõ.
Có thể nói vay tiền qua ứng dụng đã có những biến tướng theo hình thức tín dụng đen vì vậy cần có biện pháp quản lý thích hợp cũng như xử lý nghiêm những ứng dụng hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 thì mức lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Người cho vay nặng lãi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 với mức xử phạt cao nhất là 03 năm tù.
Ngoài ra, việc sử dụng trái phép hình ảnh của người khác để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đó còn có thể bị truy cứu về "Tội làm nhục người khác" được quy định tại Điều 155 BLHS 2015.