Trong thực tiễn ít xảy ra trường hợp di chúc bị thất lạc sau đó tìm thấy được, tuy nhiên với vai trò điều chỉnh các quan hệ dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh và mang tính ổn định, dự đoán thì Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 vẫn tồn tại quy định trường hợp di chúc bị thất lạc thì xử lý thế nào, đặc biệt là trường hợp di chúc thất lạc mà tìm thấy lại thì hệ quả ra sao. Cụ thể khoản 2 Điều 666 BLDS 2005 quy định là “Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc”. Nghĩa là, khi di chúc bị thất lạc và di sản chưa chia mà tìm thấy bản di chúc thì đương nhiên phải ưu tiên chia di sản theo di chúc để tôn trọng ý chí của người để lại di sản, Nhưng cũng từng quy định này dẫn đến trường hợp là, nếu di chúc bị thất lạc không tìm thấy và di sản đã được phân chia cho người thừa kế theo pháp luật rồi, sau đó mới tìm thấy di chúc thì phải xử lý thế nào? Trường hợp này BLDS 2005 không có quy định.
Trước khi BLDS 2015 ban hành, đối với trường hợp nêu trên thì có nhiều quan điểm cho rằng khi di sản đã phân chia mà tìm thấy di chúc thì không tiến hành chia lại vì làm vậy sẽ tạo nên sự rối loạn khi phân chia lại di sản cũng như bất công với những người đã được nhận di sản trước đó theo pháp luật. Tuy nhiên, với nguyên tắc là tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản, BLDS 2015 vẫn theo hướng có thể chia lại di sản theo di chúc nhưng kèm theo điều kiện là có yêu cầu của người thừa kế theo di chúc và còn thời hiệu yêu cầu chia di sản.
Cụ thể, Điều 642 BLDS 2015 bổ sung một khoản mới là khoản 3 với nội dung:
“3. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.”
Quy định này được hiểu, trường hợp di sản đã phân chia theo pháp luật (vì di chúc chưa tìm thấy) mà tìm thấy di chúc đã thất lạc (đương nhiên phải là di chúc hợp pháp) thì có 3 khả năng như sau:
Thứ nhất, nếu người thừa kế theo di chúc không yêu cầu chia lại di sản, nghĩa là đồng ý với việc phân chia trước đó thì xem như không có di chúc và không cần chia lại di sản.
Thứ hai, nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu chia lại di sản theo nội dung di chúc tìm thấy nhưng thời điểm này đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thì cũng không tiến hành chia lại di sản.
Thứ ba, nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu chia lại di sản theo nội dung di chúc tìm thấy và vẫn còn trong thời hiệu yêu cầu chia di sản thì phải chia lại di sản theo di chúc.
Quy định này về cơ bản mong muốn tôn trọng cao nhất ý chí của người để lại di sản, đồng thời vẫn cố gắng dung hòa với lợi ích của người thừa kế khi đặt ra điều kiện là còn thời hiệu và có yêu cầu của người thừa kế theo di chúc.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề mà BLDS 2015 dường như chưa nhắc đến, đó là vấn đề nếu chia lại di sản theo di chúc thì sẽ chia theo phương thức nào? Thiết nghĩ nên theo hướng áp dụng tương tự quy định pháp luật “phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới” tại khoản 1 Điều 662 BLDS 2015.