Hành vi bạo lực trẻ em có thể bị xử lý như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #613759 05/07/2024

    huuhieplaw

    Sơ sinh

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/06/2024
    Tổng số bài viết (8)
    Số điểm: 40
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Hành vi bạo lực trẻ em có thể bị xử lý như thế nào?

    Bạo lực trẻ em luôn là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển của xã hội hiện nay. Có thể thấy, các hành vi bạo lực luôn là mối đe dọa, rình rập không chỉ với trẻ em mà còn với tất cả mọi người. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ hơn hết vì khả năng chống chịu, tự bảo vệ mình còn rất yếu ớt.

    Dạo gần đây, xu hướng bạo lực trẻ em ngày càng nhiều và càng man rợ, nhưng đáng nói người bạo lực đối với trẻ em lại đa phần là chính những người thân trong gia đình trẻ như ông, bà, cha, mẹ,… Chính lẽ đó, cần phải lên án mạnh mẽ đối với các hành vi bạo lực trẻ em để bảo vệ đối tượng này trước những hành vi vi phạm luật nghiêm trọng.

    Quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em hiện nay?

    Theo Hiến pháp 2013 có quy định trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Có thể thấy, trẻ em là đối tượng được Hiến pháp bảo vệ hàng đầu.

    Ngoài ra, theo Luật Trẻ em 2016 thì trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi. Và bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

    Bên cạnh đó, các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ cũng được quy định trong Luật Trẻ em 2016 và bạo lực cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

    Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

    Như vậy, bạo lực không chỉ những hành vi gây thương tích, đánh đập trẻ mà còn thể hiện dưới dạng bạo lực ngôn từ gây tổn thương, ảnh hưởng tâm lý cũng là một trong những hành vi bạo lực theo quy định của pháp luật.

    Qua đó, có thể thấy trẻ em là đối tượng cần được bảo bọc và yêu thương. Pháp luật nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi làm tổn hại đến trẻ dù là nhỏ nhất.

    Hành vi bạo lực trẻ em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính

    Căn cứ theo Nghị định 130/2021/NĐ-CP, vi phạm quy định cấm bạo lực trẻ em có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    - Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

    - Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

    - Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

    - Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

    Bên cạnh đó còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi của mình gây ra

    - Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm.

    - Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

    Hành vi bạo lực trẻ em có thể bị xử lý hình sự

    Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, bạo lực trẻ em còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng khác nhau mà sẽ có những tội danh khác nhau.

    - Tội hành hạ người khác

    Căn cứ theo Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù lên đến 03 năm.

    - Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

    Theo Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể đối với người dưới 16 tuổi thì có thể bị phạt tù lên đến 05 năm.

    - Tội cố ý gây thương tích

    Hành vi bạo lực trẻ em còn có thể cấu thành Tội cố ý gây thương tích khi người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định của Bộ luật hình sự 2015, tùy theo trường hợp, mức độ có thể bị phạt tù cao nhất là chung thân. (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015)

    - Tội giết người

    Ngoài những tội trên, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi giết người dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

    Vì vậy, tùy theo mức độ bạo lực trẻ em khác nhau sẽ có mức xử lý khác nhau. Nhưng cốt lõi, trẻ em là đối tượng cần được yêu thương và bảo vệ. Cho dù bất cứ hành vi nào xâm phạm đến trẻ cũng đều bị lên án mạnh mẽ.

    Để cho việc bảo vệ trẻ em tốt hơn, cần có sự phối hợp giữa nhiều bộ phận khác nhau, từ gia đình, nhà trường đến các cơ quan có liên quan hay những người xung quanh trẻ đều cần có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Hãy lên tiếng và lên án kịp thời những hành vi bạo lực trẻ để ngăn chặn kịp thời trước khi có những vi phạm nghiêm trọng xảy ra.

     

     
    201 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận